Kỷ niệm 70 năm Israel độc lập, Tòa Thánh tin rằng đối thoại và hợp tác vì hòa bình

Blog Single
Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 76 năm ngày độc lập của Israel, được tổ chức tại Đại sứ quán Israel cạnh Tòa Thánh vào ngày 6/6/2024, Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng Tòa Thánh Paul Richard Gallagher đã nhắc lại lịch sử giữa Tòa Thánh và Israel, đồng thời bày tỏ niềm tin chắc rằng đối thoại và cùng nhau hợp tác hướng tới hòa bình là điều có thể thực hiện được.

Vatican News

Mở đầu bài phát biểu, Đức Tổng Giám mục Gallagher nhắc lại rằng việc thành lập Nhà nước Israel và sự công nhận của Nhà nước này trong khuôn khổ luật pháp quốc tế luôn được Tòa Thánh tôn trọng - một sự tôn trọng được chứng minh bằng việc hai bên đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ.

30 năm trước, vào ngày 15/6/1994, hai trụ sở ngoại giao là Tòa Sứ thần tại Israel và Đại sứ quán Nhà nước Israel cạnh Tòa Thánh đã được khánh thành.

Ngoại trưởng Tòa Thánh nói: “Sự lựa chọn chính trị của Tòa thánh để thiết lập quan hệ với Israel vẫn được khẳng định cách mạnh mẽ. Sự lựa chọn này được thúc đẩy bởi niềm tin rằng bởi vì sự tồn tại của Israel không thể bị nghi ngờ, nên quan điểm lâu dài của Tòa Thánh vẫn là giải pháp hai-nhà nước" [cho Israel và Palestine].

Biến cố ngày 7/10/2023

Ngài khẳng định rằng “Điều này thậm chí còn được làm rõ hơn sau cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng vào ngày 7/10/2023 của Hamas và các lực lượng dân quân khác chống lại người dân Israel, trong đó hàng trăm người, trong đó có nhiều người Do Thái, đã bị giết hại dã man, hãm hiếp và bị bắt làm con tin một cách dã man".

Nhắc lại những lời của Đức Thánh Cha nói với Ngoại giao đoàn vào tháng 1 năm nay, trong đó ngài đã nhắc lại “lời lên án” đối với hành động này, cũng như mọi trường hợp khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, Đức Tổng Giám mục Gallagher tái khẳng định rằng “khủng bố không phải là giải pháp cho bất kỳ cuộc xung đột nào” mà đúng hơn là "một hành động hoàn toàn coi thường mạng sống con người và không có động cơ nào, ít nhất là chính trị hay tôn giáo, có thể biện minh cho hành động đó".

Lời kêu gọi trả tự do cho các con tin

Nhắc lại cuộc gặp gỡ gia đình các con tin ở Đức bên lề Hội nghị An ninh Munich, ngài nói: “Tôi xin nhắc lại sự đồng cảm và đau buồn của mình về những gì đã xảy ra”. Ngài than thở: “Nỗi đau khổ của họ thật lớn lao và ngày càng gia tăng, đặc biệt là khi không có giải pháp nhanh chóng nào trước mắt”.

Ngài nhắc lại sự gần gũi thường xuyên của Đức Thánh Cha với các gia đình, không chỉ qua việc Đức Thánh Cha liên tục kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các con tin mà còn qua việc ngài gặp gỡ người thân của họ theo nhóm và riêng lẻ. Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự gần gũi của ngài trong thư gửi các cộng đồng Do Thái ở Israel, bày tỏ nỗi buồn và đau xót cũng như lên án mọi hình thức bài Do Thái.

Ba yêu cầu

Ngài nói thêm: “Trong những hoàn cảnh khó khăn và phức tạp này, Đức Thánh Cha đã đưa ra ba yêu cầu rõ ràng trong lời kêu gọi của ngài: ngừng bắn trên mọi mặt trận; thả ngay lập tức tất cả các con tin Israel; và cung cấp viện trợ nhân đạo không bị cản trở cho người dân Palestine ở Gaza bị ảnh hưởng".

 Đức Tổng Giám mục Gallagher khẳng định rằng “nguyên tắc cơ bản của nhân loại không bao giờ được phép bỏ rơi hoặc bị lu mờ bởi các chiến lược quân sự”, bởi vì “nếu không thì các nguyên tắc về sự cần thiết và sự cân xứng chắc chắn sẽ bị tổn hại”.

Ngoại trưởng Tòa Thánh cũng khẳng định rằng trong các cuộc xung đột, “Tòa Thánh phải tuân thủ các nguyên tắc trung lập”. Điều này “không có nghĩa là thờ ơ về mặt đạo đức”, vì “Tòa thánh không đóng cửa với bất kỳ ai và cố gắng hiểu động cơ và quan điểm của mọi người”.

30 năm quan hệ ngoại giao

Ngài nói tiếp rằng ba mươi năm quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Israel đã chứng kiến ​​những tiến bộ và thách thức, cũng như sự sẵn sàng hợp tác theo cách tốt nhất có thể, đặc biệt là trong nhiều lĩnh vực hợp tác giữa Tòa Thánh và Israel.

Ví dụ, ngài trích dẫn chuyến viếng thăm của các Giáo hoàng tới Israel “đã thúc đẩy sự phát triển của sự hiểu biết lẫn nhau gần gũi và sâu sắc hơn”, cùng với lời kêu gọi hòa bình ở Thánh Địa của Đức Giáo hoàng Phanxicô, diễn ra tại Vườn Vatican mười năm trước với Tổng thống Israel khi đó là Shimon Peres, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, và Thượng phụ Constantinople Bartolomeo I.

Mong muốn hòa bình

Điều này, Đức Tổng Giám mục Gallagher lưu ý, “mang lại cho chúng ta niềm hy vọng và nhắc nhở chúng ta rằng đối thoại và hiểu biết là điều có thể thực hiện được”. Ngài nói, có một nhu cầu rất lớn về hòa bình, điều mà ngài mong muốn có thể “đạt được ở Israel càng sớm càng tốt, sớm còn hơn là muộn!”

Kết thúc bài nói chuyện, Ngoại trưởng Tòa Thánh bày tỏ mong muốn và hy vọng của ngài đối với Nhà nước Israel giống như điều mà Đức Thánh Cha đã viết trong Sắc lệnh công bố Năm Thánh 2025, cụ thể là nhu cầu hòa bình thách thức tất cả chúng ta thực hiện các bước cụ thể, và rằng chính sách ngoại giao “không mệt mỏi” trong cam kết “tìm kiếm mọi cơ hội để thực hiện các cuộc đàm phán nhằm đạt được một nền hòa bình lâu dài”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-06/70-nam-israel-doc-lap-paul-gallagher-doi-thoai-hoa-binh.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: