Các Giám mục Sudan kêu gọi các bên chấm dứt chiến tranh

Blog Single
Trong bối cảnh xung đột leo thang và khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng, các Giám mục Công giáo Sudan và Nam Sudan kêu gọi các bên chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp đang chia cắt quốc gia.

Vatican News

Xung đột leo thang giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF), cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua ở quốc gia châu Phi này dường như không có hồi kết thúc. Tướng Abdel Fattah al-Burhan của Lực lượng vũ trang Sudan kiên quyết đóng mọi cánh cửa đối thoại chấm dứt nội chiến. Khi đến thăm quân đóng tại các khu vực xung quanh thủ đô Khartoum, ông nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chiến này cho đến khi chiến thắng, và tôi nhắc lại một lần nữa rằng chúng ta sẽ không đàm phán với kẻ thù tấn công và chiếm đất đai của chúng ta”. Trước đó, ông Al-Burhan thường nhắc lại việc từ chối cúi đầu trước áp lực quốc tế và ngồi vào bàn đàm phán ở Jeddanh, Ả Rập Saudi.

Theo Liên Hiệp Quốc, cuộc xung đột đã làm cho ít nhất 55.000 người phải chạy trốn khỏi Sinja, thủ đô Sennar. Từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 4/2023, ít nhất 10 triệu người Sudan đã phải di dời và họ thường bị mắc kẹt trong các khu vực mà hai nhóm đang tranh giành.

Khu vực này, nằm gần một căn cứ của lực lượng vũ trang, là trung tâm của cuộc giao tranh dữ dội và những người tị nạn trú ẩn ở đó đang phải chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt mà không được tiếp cận đầy đủ nước sạch và thực phẩm. Nỗ lực giải phóng họ đã không thành công.

Trong một tuyên bố được đưa ra khi kết thúc cuộc họp vào tuần qua, các Giám mục Sudan tố cáo những lợi ích ích kỷ thúc đẩy cuộc xung đột. Các Giám mục nhấn mạnh: “Cơ cấu xã hội bị xé nát, mọi người bị sốc, bị tổn thương và không thể tin được về mức độ bạo lực và hận thù”.

Theo các Giám mục,  đây không chỉ đơn giản là cuộc chiến giữa hai vị tướng, vì quân đội đã gắn bó chặt chẽ với đời sống kinh tế của đất nước. Cả Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh đều có mạng lưới gồm các cá nhân và tập đoàn ưu tú giàu có của Sudan và quốc tế, những người được hưởng lợi từ sự kiểm soát của họ đối với các lĩnh vực kinh tế và được liên kết với các nhà tài trợ bên ngoài, những người tiếp tục cung cấp cho họ những vũ khí ngày càng tinh vi, chẳng hạn như máy bay không người lái.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-07/giam-muc-sudan-keu-cham-dut-chien-tranh.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: