Ngoại giao Toà Thánh nhắm liên kết các ý tưởng và tầm nhìn
Vatican News
Ngày 12/7, đối với thành phố Aquileia là lễ trọng kính hai Thánh tử đạo: Ermagora, Giám mục, và Fortunato phó tế. Ngoại trưởng Toà Thánh được mời tham dự sự kiện mừng thánh bổn mạng của thành phố và của Tổng Giáo Phận Gorizia và vùng Friuli Venezia Giulia.
Trong bài tham luận tập trung vào chủ đề hoà bình và ngoại giao Toà Thánh, Đức Tổng Giám Mục Gallagher lấy mẫu gương của Aquileia để nói về ngoại giao của Giáo hoàng và Toà Thánh. Ngài nhấn mạnh: “Aquileia là một thành phố đã trải qua hơn hai thiên niên kỷ lịch sử đã trưởng thành một sự nhạy cảm đặc biệt đối với hòa bình, học cách giải quyết những bất đồng nảy sinh từ những khác biệt văn hóa, ngôn ngữ và sắc tộc”.
Đức Tổng Giám Mục giải thích, ngoại giao Toà Thánh hướng đến việc chấm dứt các cuộc xung đột đang diễn ra: từ Ucraina đến Palestine, Israel, Azerbaijan, Myanmar, Ethiopia, Sudan, và Yemen. Toà Thánh luôn hành động như một chủ thể vượt lên trên các đảng phái, cố gắng liên kết các ý tưởng, lập trường chính trị đối lập, tầm nhìn tôn giáo và hệ tư tưởng khác nhau, thúc đẩy hòa bình trong sự tôn trọng các quy tắc quốc tế và các quyền cơ bản của con người và hoạt động trên cơ sở mức độ nhân đạo. Ví dụ Toà Thánh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương trẻ em Ucraina, và trao đổi tù nhân chiến tranh giữa Nga và Ucraina, cũng như khuyến khích thả con tin Israel ở Dải Gaza.
Trong cái nhìn này, ngoại giao Toà Thánh tuân theo quy tắc luật quốc tế, nhưng hoạt động theo luân lý đạo đức, không có tham vọng địa chính trị, cẩn thận không chiều theo lợi ích đảng phái, và trong mọi trường hợp không dửng dưng trước những mong đợi và nhu cầu cụ thể của con người. Vì thế, mối quan tâm của Toà Thánh là đồng hành với những người khao khát hoà bình và tìm kiếm hoà giải. Thái độ ngoại giao Giáo hoàng nhằm khuyến khích cuộc đối thoại với tất cả, cả những người không cảm thấy thoải mái khoặc không có quyền đàm phán. Khuynh hướng của Toà Thánh là dùng sự khiêm tốn và kiên nhẫn tối đa để tháo gỡ những nút thắt tưởng chừng như không thể.
Đức Tổng Giám Mục giải thích: “Thực tế, hoạt động ngoại giao Tòa thánh, một mặt, can thiệp để đảm bảo quyền tự do của Giáo hội, mặt khác nhằm mục đích cộng tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế để giải quyết các vấn đề lớn của nhân loại, làm việc để bảo vệ các quyền cơ bản của con người và để khẳng định các giá trị đạo đức và xã hội cao nhất”.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.