Các nữ tu Ấn Độ dòng Bác ái Nazareth chăm sóc trẻ em khuyết tật

Blog Single
Trong hơn ba thập kỷ, các Nữ tu dòng Bác ái Nazareth đã mở rộng hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật thông qua Trường Asha Deepam ở Trichy, Ấn Độ. Phục vụ như một Ánh sáng Hy vọng, đúng như tên gọi của nó, các nữ tu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ tinh thần cho trẻ em khuyết tật và gia đình các em.

Sr. Prasanthi Mandapati, SCN

Nhiệt thành trong sứ vụ giúp đỡ trẻ em khuyết tật trí tuệ, vào năm 1995, các Nữ tu dòng Bác ái Nazareth đã thành lập Trung tâm chăm sóc Asha Deepam Dar. Kể từ đó, Asha Deepam đã phục vụ trẻ em khuyết tật tâm thần và tìm cách mang đến cho các em cơ hội phát triển toàn diện bằng cách tập trung vào khả năng và tiềm năng độc đáo của các em.

Trung tâm trang bị cho các cá nhân những kỹ năng cần thiết cho công việc hàng ngày, khuyến khích họ theo đuổi các cơ hội học tập và nghề nghiệp, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội và giải trí. Các sinh viên được tham gia đào tạo chuyên môn đa dạng, bao gồm sản xuất nến, nấu ăn, làm hoa, vòng tay và ngọc trai, cũng như sản xuất nhang. Ngoài ra, họ còn được hướng dẫn cách cắt may và làm vườn.

Trong những năm qua, Asha Deepam đã hỗ trợ khoảng 460 trẻ em, nâng cao phẩm giá của các em và giúp các em phát huy hết tiềm năng của mình. Gần 50 sinh viên làm việc để tự nuôi sống bản thân.

Một số trẻ em đã giành được huy chương trong Thế vận hội Olympic Đặc biệt cấp Quận, Liên Quận và Quốc gia, cũng như Thế vận hội Olympic Quốc tế Đặc biệt ở Mỹ và Hy Lạp.

Julian Santo là một trong những trẻ em mà nhà trường đặc biệt tự hào. Câu chuyện đầy biến đổi của em minh họa cho sự nỗ lực và thành công của các em, của phụ huynh, các nữ tu và nhân viên của trung tâm Asha Deepam.

Hành trình của Julian Santo

Julian Santo, một trẻ em bị nhiều khuyết tật, bao gồm chứng tự kỷ và các thách đố về thị giác, đã phải đối mặt với những trở ngại đáng kể khi vào Trường Đặc biệt Asha Deepam ở Crawford, Trichy 5 năm trước.

Khi đó, Julian không thể nhận ra khuôn mặt của mẹ mình và chỉ dựa vào các đặc điểm thể chất như chiều cao để nhận dạng bà. Khi chuẩn bị vào tiểu học, em phải đối mặt với những khó khăn trong các hoạt động hàng ngày như ăn uống, mặc quần áo và sử dụng phòng tắm do bị khiếm thị và mắc chứng tự kỷ. Việc hiểu kích thước, màu sắc và hình thức là điều khó khăn đối với em.

Nhà trường đã cung cấp cho Julian tất cả sự hỗ trợ y tế cần thiết để giải quyết các vấn đề về thị lực và em đã trải qua một chương trình tích hợp giác quan đặc biệt kéo dài ba tháng do một trong những giáo viên, bà Roseline Francis hướng dẫn và được các Nữ tu giám sát. Sau đó, chương trình đào tạo có mục tiêu đã được cung cấp để cải thiện thị giác của em.

Vượt qua nhiều khuyết tật

Sau khi được đào tạo chuyên sâu kéo dài vài năm, Julian đã thành công vượt qua thử thách của chứng "nhại lời", là chứng mô phỏng lại những âm thanh, lời nói mà họ nghe được thay vì đưa ra câu trả lời. Giờ đây, em có thể phân biệt thành thạo các đồ vật trong lớp học, nhận biết các bộ phận cơ thể, nắm bắt nhịp điệu, xác định các hình dạng và màu sắc khác nhau, v.v.

Julian đã phát triển khả năng phát âm tên của các loại trái cây, rau quả, quần áo, ô tô, chim và các sinh vật khác. Ngoài ra, em có thể đọc kinh buổi sáng, thể hiện kiến ​​thức tổng quát, nhớ tên số và phân biệt nguyên âm và phụ âm.

Mặc dù có vấn đề về thị lực nhưng Julian vẫn có trí nhớ ấn tượng, nhớ lại các chi tiết với độ chính xác tuyệt vời.

Những bước tiến đáng kể trong việc trở nên tự lập

Joan Matharasi, mẹ của Julian Santo, bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn vô hạn trước sự tiến bộ vượt bậc của con trai kể từ khi em theo học Trường Đặc biệt Asha Deepam.

Bà nhấn mạnh rằng Julian đã đạt được những bước tiến đáng kể trong sự độc lập của mình, giờ đây em đã tự tin nói rõ những nhu cầu của mình. Kỹ năng viết của em đã được cải thiện đáng kể và em siêng năng chia sẻ thông tin chi tiết về các hoạt động ở trường của mình.

Phong thái của Julian đã trở nên điềm tĩnh và hòa nhập hơn khi thay vì đẩy các trẻ em ra xa, em đã vui chơi và đồng hành với các bạn cùng lứa tuổi của mình. Đặc biệt, em đã phát triển được khả năng làm theo và phản hồi chính xác những hướng dẫn của giáo viên.

Bà Joan vui vẻ chia sẻ: “Trước khi theo học tại Asha Deepam, Julian đã dựa vào tôi để đáp ứng những nhu cầu cơ bản. Tôi cũng chán nản khi nhìn vào tình trạng của con mình. Nhưng sau khi gia nhập trường Asha Deepam, cháu đã tự chuẩn bị cho việc đến trường, thể hiện thói quen ăn uống đã cải thiện và dễ dàng mặc trang phục đi học”. Bà nói thêm rằng Julian thậm chí còn đến xin bà hỗ trợ làm bài tập ở trường hàng ngày, hoàn thành nhiệm vụ với sự nhiệt tình và tự tin.

Sự quan phòng của Thiên Chúa trong sứ vụ

Trường Đặc biệt Asha Deepam đang thực hiện một hành trình thay đổi với khoảng 460 trẻ em, khôi phục nhân phẩm và giúp cho các em có cuộc sống trọn vẹn. Trong số này, gần 50 sinh viên đã tìm được việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tự nuôi sống bản thân. Đáng chú ý, có 6 bé gái và 4 bé trai của Trung tâm đã kết hôn, có con và sống đàng hoàng trước xã hội.

Hiện nay, trường Asha Deepam là mái ấm ban ngày cho 45 em nhỏ.

Sơ Saleth Mary, hiệu trưởng của trường, nói: “Đây là một cơ hội sâu sắc để hỗ trợ những đứa trẻ đặc biệt này. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của Chúa trong cách thể hiện của họ hàng ngày. Sau nhiều năm làm việc tại các trường học truyền thống, việc giúp đỡ những trẻ em đặc biệt ở trường này mang lại ý nghĩa sâu sắc hơn và sự hài lòng cho đời sống tu trì của tôi”.

Sơ Saleth Mary nhấn mạnh đến những điều ngạc nhiên hàng ngày mà những đứa trẻ này nhận được qua lòng tốt của những cá nhân bác ái cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm. Sơ tin rằng đó là sự quan phòng thường xuyên của Chúa trong cuộc sống và sự phục vụ của họ.

Sơ cho biết niềm tin vào Chúa của sơ đã được củng cố khi chứng kiến ​​những thay đổi tích cực ở những học sinh như Julian. Sơ Saleth Mary kết luận: “Thiên Chúa lo liệu cho dân Người thông qua sự phục vụ của các Nữ tu dòng Bác ái Nazareth”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-07/sisters-project-an-do-nu-tu-asha-deepam-tre-em-khuyet-tat.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: