Với bạo lực chính trị: khẳng định phẩm giá của tất cả mọi người

Blog Single
Sau âm mưu ám sát cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, trong một cuộc phỏng vấn của Vatican News, Đức cha Borys Gudziak, Tổng giáo mục Công giáo Hy Lạp Ucraina ở Philadelphia, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Hoa Kỳ về Công lý Gia đình và Phát triển Con người, đã nói về cách các Kitô hữu có thể ứng phó các mối đe dọa đang gia tăng từ bạo lực chính trị và tư tưởng.

Vatican News

Thưa Đức Tổng, nước Mỹ chấn động trước vụ ám sát ứng cử viên tổng thống. Đức Tổng đã phản ứng thế nào khi nghe tin về vụ tấn công bạo lực đó?

Lúc đó tôi đang tham dự Thượng Hội đồng của chúng tôi ở Ucraina. Tôi sửng sốt khi nghe tin này, cảm thấy đau buồn. Vụ ám sát chỉ diễn ra vài ngày sau cuộc tấn công bệnh viện nhi đồng ở Kyiv. Cuộc tấn công của Nga đã giết chết rất nhiều trẻ em và bác sĩ, và nhận thức được những gì đang diễn ra trên thế giới trong lúc phát biểu ở Hoa Kỳ làm tôi rất đau buồn.

Nhưng ở một khía cạnh nào đó, tin này không hoàn toàn gây sốc, xét đến bạo lực và sự sôi động trong văn hóa, âm nhạc và phim ảnh hiện nay. Tất nhiên, đó là một sự huỷ hoại, là dấu hiệu của những điều mà chúng tôi, với tư cách là Hội đồng Giám mục, đã chỉ ra trong nhiều năm, và gần đây đã cảnh báo công chúng nói chung, và những người Công giáo Hoa Kỳ nói riêng.

Và thực tế, chỉ cách đây vài tuần, vào tháng 6, Đức Tổng đã ký thông điệp của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ về cách các Kitô hữu có thể phản ứng trước các mối đe dọa bạo lực chính trị và ý thức hệ đang gia tăng. Điều này giống như một sự thấy trước vụ tấn công vừa qua…

Tôi nghĩ, nếu chúng ta lùi lại và nhìn vào những xu hướng nhất định, cả trên toàn cầu và trong nước, chúng ta có thể chứng kiến tận mắt, và liên tục nghe những cảnh bạo lực. Trẻ em chứng kiến vô số cái chết khi xem video. Và có một cảm giác nào đó khiến chúng ta trở nên mất nhạy cảm. Chúng ta đang bị kích thích quá mức. Chúng ta không phản ứng giống nhau trước những điều đẫm máu, bạo lực và thô tục. Vì chúng ta bị tấn công dồn dập bởi những khía cạnh khác nhau của những điều đó. Và vì nó là ảo, trong video hoặc trong âm thanh, nên nó không có giá trị. Nhưng nó ảnh hưởng đến chúng ta.

Việc một thanh niên 20 tuổi có thể thực hiện cuộc tấn công cho thấy bạo lực xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của người Mỹ. Điều này thực sự đáng sợ.

Và thực tế bạo lực không chỉ ở trên tivi, video hoặc văn hoá. Chúng ta cũng thấy điều này ở những nhà lãnh đạo chính trị, và trong những lời hùng biện mà chúng ta nghe đặc biệt trong thời điểm bầu cử tổng thống rất nóng bỏng.

Đúng vậy. Và đó là lý do tại sao chúng ta, những Kitô hữu cần phải lùi lại, không chỉ trong việc phân tích văn hóa, nhưng còn quay lại nền tảng của chúng ta. Tình hình rất tồi tệ và chúng ta không thể thay đổi ngay lập tức, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không tiếp tục và làm mới lại tư cách Kitô giáo của mình.

Chúng ta phải rất rõ ràng trong việc khẳng định phẩm giá của mọi người, mỗi người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Ngay cả khi chúng ta không đồng ý với mọi người, chúng ta cần tôn trọng và lắng nghe kinh nghiệm của người khác.

Vì thế chúng ta cần phải có lòng bác ái và rõ ràng. Chúng ta cần nêu tên một số vấn đề này và chúng ta cần phải sáng tạo. Chúng ta làm những điều này theo cách Chúa đã trải qua. Chúa chúng ta đã phải đối diện với sự tố cáo, phỉ báng, báng bổ, sự phủ nhận tất cả lòng tốt của Người và những lời buộc tội có bản chất sai trái, và cuối cùng là bạo lực khủng khiếp. Và Người đã cho chúng ta thấy - không chỉ dạy chúng ta, nhưng còn cho chúng ta thấy – tình yêu, yêu thương vượt qua tất cả.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta coi thường chính trị hoặc không bảo vệ người vô tội. Nhưng có nghĩa là chúng ta sống, nói, viết và hành động theo tinh thần bác ái rõ ràng và sáng tạo.

Chúng ta có thể thoát ra khỏi khuôn khổ này. Có một mối nguy hiểm khi cảm thấy rằng chúng ta đang bị ép buộc, bị cô lập trong môi trường ngôn ngữ bạo lực, suy nghĩ bạo lực và hành động bạo lực này. Nhưng điều đó không đúng. Chúng ta cần thực hiện một bước nhảy mạnh mẽ về mặt thiêng liêng. Đây có thể là tiếng kêu trong sa mạc, chúng ta có thể không được lắng nghe, nhưng chúng ta phải tiếp tục kêu lớn tiếng.

Đức Tổng đã nói trong thư được Hội đồng Giám mục Mỹ công bố rằng, theo đuổi hòa bình không có nghĩa là phớt lờ sự bất công. Xã hội cần phải chấm dứt những hành động bất công và phải đấu tranh cho công lý như nền tảng của hòa bình. Theo Đức Tổng, chúng ta có thể theo đuổi cuộc tìm kiếm hòa bình, công lý mà không cần đến những lời nói và hành động bạo lực không?

Trước hết, chúng ta trở nên bạo lực khi chúng ta sợ hãi. Khi chúng ta cảm thấy bị đe dọa và gặp nguy hiểm. Có thứ gì đó đến từ bên ngoài. Vì vậy, điều quan trọng là phải mạnh mẽ từ bên trong. Chúng ta phải biết mình là ai. Chúng ta biết chúng ta là con yêu dấu của Thiên Chúa. Chúng ta đứng với Chúa Giêsu ở bờ sông Gio-đan và nghe những lời Chúa Cha: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” và cảm nhận được sự chứng thực của Thánh Thần về sự xác nhận này. Nếu chúng ta biết mình là ai thì những gì tấn công từ bên ngoài không xâm nhập vào trái tim, tâm hồn chúng ta, chúng ta không sợ hãi, không phản ứng cách hung hãn.

Vì thế chúng ta cần phải cầu nguyện. Có một số điều chúng ta không thể làm một cách tự nhiên. Phản ứng và hành động bạo lực trong môi trường bạo lực là điều tự nhiên. Chỉ với ân sủng Chúa, chúng ta mới có thể vượt qua những đam mê, cám dỗ, khuynh hướng của ma quỷ này. Khi chúng ta mạnh mẽ trong Chúa, không quan trọng sức khoẻ thể chất chúng ta thế nào, có nhiều tiền hay không, có quyền kiểm soát phương tiện truyền thông hay không, chúng ta vẫn có được sự bình an trong tâm hồn và chúng ta tỏa ra sự bình an đó. Mọi người có thể cảm nhận được điều này.

Tôi nghĩ chúng ta đã cảm nhận được điều đó từ các vị thánh, là những người cầu nguyện và những người hòa bình. Và nếu chúng ta có thể là những người cầu nguyện, hiệp nhất với Chúa, có niềm vui trong tâm hồn vì biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta, thì chúng ta có thể yêu thương người khác, kể cả những người ghét chúng ta.

Có những bước nào mà Giáo hội có thể thực hiện không? Có những điều gì Giáo hội có thể làm với tư cách là một tổ chức mà các giám mục muốn làm để góp phần theo đuổi hòa bình và đối thoại không?

Chúng ta phải thực hiện đúng với lời kêu gọi của mình. Chứng tá của Giáo hội bị suy yếu mỗi khi chúng ta phản bội lời kêu gọi. Cuộc khủng hoảng xung quanh việc lạm dụng tình dục đã làm cho lời chứng của chúng ta kém thuyết phục rất nhiều. Chúng ta không thể bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng ta cần phải tôn trọng. Nếu chúng ta kêu gọi đối thoại, chúng ta phải là người của đối thoại. Nếu chúng ta kêu gọi sự cởi mở thì chúng ta không thể là những người mang ý thức hệ. Có thể nói chỉ có thể loại bỏ những giới hạn bằng chứng tá của chúng ta.

Chúng ta phải luôn sống chứng tá theo phong cách của Chúa Giêsu. Đó là một phong cách chữa lành bằng việc chạm đến một cách yêu thương. Phúc lành, chúc lành có nghĩa là nói những điều tốt đẹp, không phải một cách giả tạo hay tâng bốc, nhưng làm nổi bật phẩm giá thiêng liêng mà Thiên Chúa ban cho mỗi người. Tiếp đến là những hành vi thương xót. Mỗi khi chúng ta làm một việc tốt, mỗi khi chúng ta giúp đỡ ai đó, mỗi khi chúng ta đến với người nghèo, những người đau khổ, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, thì chúng ta đưa vào thế giới một dấu hiệu ân sủng, dấu chỉ tình yêu, một dòng hy vọng. Và chính nhờ chứng tá này, không phải ai đó ở trên đỉnh kim tự tháp, không chỉ giáo hoàng hay chỉ các giám mục, nhưng là toàn thân thể Chúa Kitô, toàn thể Dân Chúa hành động như những tác nhân của hòa bình, sự thật và công lý. Sự hiện diện và chứng tá tích cực đó có thể vượt qua bạo lực. Đó không phải là một ơn gọi dễ dàng. Đó là đường Thập Giá, đường của Chúa Giêsu và là con đường duy nhất cho chúng ta.

Đức Tổng có thông điệp nào dành cho người Mỹ, cho người Công giáo, cho các Kitô hữu khác, cho những người nam nữ thiện chí, khi chúng ta hướng tới cuộc bầu cử vào tháng 11 không?

Tôi nghĩ lời kêu gọi cầu nguyện và quan tâm là trách nhiệm toàn cầu và xã hội của chúng ta. Trước đây, chúng ta không biết nhiều về thông tin, nhưng bây giờ chúng ta có nhiều thông tin hơn và tin tức đa số tiêu cực, đầy bạo lực và xung đột, bất công và cái chết.

Chúng ta cần phải cầu nguyện, như Thánh Gioan Phaolô II đã kêu gọi chúng ta trở thành những người mang sự sống. Chúng ta cần bén rễ sâu trong Chúa Kitô. Đức Giáo Hoàng Biển Đức, qua Kitô học của ngài, hơn bao giờ hết thực sự sẽ đưa chúng ta đến chỗ hiểu biết sâu sắc về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Ngoài ra, chúng ta cần gần gũi với người nghèo và sống vui tươi như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tôi được truyền cảm hứng từ năng lượng của Đức Thánh Cha. Ngài không còn trẻ, có nhiều bệnh, và công việc khó khăn nhất thế giới. Thế nhưng ngài vẫn cười. Chúng ta được mời gọi trở thành những Kitô hữu của niềm vui đích thực, không bị kích động, không phải niềm vui của cơn say, nhưng niềm vui của Thánh Thần thật lôi cuốn, đặc biệt trong những lúc u sầu. Khi mọi người cảm thấy lạc lõng, cô độc, hoang mang, nếu thấy những Kitô hữu vui tươi, bình an, họ sẽ hỏi, điều đó đến từ đâu? Đó là chứng tá Kitô mà Chúa mời gọi chúng ta, đặc biệt là ngày nay.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-07/bao-luc-chinh-tri-khan-dinh-pham-gia-moi-nguoi.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: