Giáo hội Công giáo Indonesia trước ngưỡng cửa cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô

Blog Single
Từ ngày 3 đến ngày 6/9/2024, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Indonesia. Đây sẽ là lần thứ 3 một Giáo hoàng viếng thăm nước này. Giáo hội Công giáo Indonesia đang chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha. Là một cộng đồng nhỏ bé giữa một quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo, tuy có nhiều thách đố về cả khía cạnh xã hội và tôn giáo, Giáo hội Công giáo hoạt động tích cực để đóng góp vào việc xây dựng xã hội và đối thoại liên tôn.

Hồng Thủy - Vatican News

Vị Giáo hoàng đầu tiên thăm Indonesia là Đức Phaolô VI. Vào ngày 3/12/1970, trong chuyến tông du cuối cùng của ngài, Đức Phaolô VI đã dừng chân ở Jakarta, nơi ngài được tổng thống lúc bấy giờ là Suharto chào đón nồng nhiệt. Sau đó, từ ngày 8 đến ngày 12/10/1989, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đến Indonesia trong chuyến tông du được đánh dấu với Thánh lễ ngoài trời tại sân vận động Jakarta và các điểm dừng ở Medan, phía bắc Sumatra, ở Yogyakarta, ở trung tâm Java và Flores, ở phía đông Nusa Tenggara. Trong cùng chuyến đi đó, ngài cũng thăm Dili, nơi lúc đó vẫn là tỉnh Đông Timor của Indonesia.

Cái nhìn tổng quan về Indonesia

Indonesia có diện tích 1.916.862 km2, tức là gấp gần 6 lần diện tích nước Việt Nam, Nước này có khoảng 267 triệu dân, đông thứ tư trên thế giới, bao gồm 250 sắc tộc. 

Từng là thuộc địa của Hà Lan, Indonesia trở thành nước Cộng hòa vào ngày 17 tháng 8 năm 1945, nhưng giành được độc lập thực sự vào năm 1949, sau khi quân Hà Lan rút lui.

Tổng thống đầu tiên của Indonesia - Kusno Sosrodihardjo, được biết đến với tên Sukarno - là “người cha của dân tộc”. Sau khi thống nhất đất nước dưới ngọn cờ năm nguyên tắc - Pancasila (chỉ tin vào Thiên Chúa tối cao; tính nhân đạo văn minh và công bằng; sự thống nhất của Indonesia; nền dân chủ được hướng dẫn bởi trí tuệ nội tại và sự đồng thuận qua tranh luận giữa những người đại diện; và công bằng xã hội cho toàn thể nhân dân Indonesia) - ông khởi xướng một chế độ đặc trưng bởi nền kinh tế chỉ huy và không liên kết trong chính sách đối ngoại.

Sau những biến động với những tổng thống khác nhau, với cuộc bầu cử năm 2004, do tướng về hưu Susilo Bambang Yudhoyono thuộc Đảng Dân chủ giành chiến thắng, quá trình chuyển đổi sang dân chủ của Indonesia đã hoàn tất. Năm 2014, sau hai nhiệm kỳ, ông Yudhoyono, đã được kế nhiệm bởi ông Joko Widodo của Đảng Đấu tranh Dân chủ. Ông Widodo đã được bầu nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 16 tháng 4 năm 2019 và sẽ mãn nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 10 tới đây. Người được bầu kế nhiệm ông là ông Prabowo Subianto.

Năm 2002, sau 24 năm đấu tranh giải phóng, cựu thuộc địa Đông Timor của Bồ Đào Nha, bị Indonesia đơn phương sáp nhập vào năm 1976, đã giành được độc lập. Các phong trào độc lập cũng đang hoạt động tích cực ở các vùng khác của đất nước và trong một số trường hợp, chúng mang tính chất tôn giáo.

Quần đảo Indonesia rất dễ hứng chịu các hiện tượng địa chấn và núi lửa. Trong số những thảm họa xảy ra với nước này những năm đầu thế kỷ 21, có trận sóng thần khủng khiếp năm 2004, theo ước tính, chỉ riêng trên đảo Sumatra, nó đã giết chết 167.736 người; kế đến là vụ phun trào núi lửa Merapi vào tháng 10 năm 2010, và vụ núi lửa Lokon. Thêm vào đó, lũ lụt và lở đất thường xuyên xảy ra.

** Giáo hội Công giáo Indonesia

Kitô giáo được truyền đến Indonesia khi người Bồ Đào Nha đến nước này vào thế kỷ 16. Người nổi tiếng nhất trong số các nhà truyền giáo ở Indonesia là Thánh Phanxicô Xaviê. Ngài đã làm việc tại Đảo Ambon, Ternate và Morotai trong khoảng thời gian từ 1546 đến 1547.

Sau khi người Bồ Đào Nha bị trục xuất khỏi Ternate vào năm 1574, nhiều người Công giáo ở phía bắc quần đảo Moluccas đã bị giết. Công ty Đông Ấn Hà Lan, một công ty được thành lập vào năm 1602 và có quyền lực gần như chính phủ, đã chinh phục Ambon vào năm 1605 và người Công giáo buộc phải theo đạo Tin Lành.

Năm 1808, chính quyền Hà Lan cho phép người Công giáo châu Âu tự do thờ phượng, và sau đó cho phép cả người Công giáo địa phương. Năm 1835, người Hà Lan đặt Giáo hội dưới sự cai quản trực tiếp của mình, trả lương cho các linh mục và kiểm soát việc bổ nhiệm. Các linh mục đã phản đối chính sách này và kết quả là tất cả các linh mục Công giáo bị trục xuất.

Hoạt động truyền giáo của Công giáo chỉ được tiếp tục vào thế kỷ 19 với sự xuất hiện của các tu sĩ Dòng Tên, đặc biệt là ở đảo Flores. Họ được hưởng quyền tự do hoạt động ở đây nhờ hiệp ước năm 1859 với Bồ Đào Nha. Chỉ mãi đến năm 1926 mới có người Java đầu tiên được thụ phong linh mục.

Hiện nay, Công giáo và Tin Lành là hai trong số sáu tôn giáo chính thức ở Indonesia cùng với Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo và Nho giáo.

Người Công giáo có mặt trên khắp quần đảo, nhưng chủ yếu tập trung ở Flores, Timor, Trung Java, Papua và trong số các nhóm người Hoa.

Theo điều tra dân số năm 2018, Indonesia có tổng dân số 267 triệu người, với gần 87,2% dân số theo Hồi giáo; 9,9% là Kitô hữu, trong đó có 3,1% Công giáo, tương đương với khoảng 8 triệu người; Ấn giáo 1,7%; Phật giáo 0,7% và các tôn giáo khác 0,2%.

** Những thách đố của Giáo hội Công giáo Indonesia

Với dân số hơn 260 triệu người, Indonesia là quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, với gần 90% dân số. Tuy nhiên, Indonesia không phải là nước Hồi giáo. Nước này được thành lập dựa trên Pancasila, năm nguyên tắc được ghi trong Hiến pháp, đảm bảo sự tự do của mọi tín đồ. Xã hội Indonesia trên thực tế là đa tôn giáo, đa sắc tộc và đa văn hóa, và khẩu hiệu của đất nước này là “thống nhất trong đa dạng”, một đặc điểm đã góp phần tạo nên tính khoan dung lịch sử của Hồi giáo ở đất nước này, vốn luôn luôn quen với việc cùng tồn tại với chủ nghĩa đa nguyên.

Cộng đồng Công giáo cũng được hưởng lợi từ sự khoan dung này. Điều này được khẳng định bởi mối quan hệ tốt đẹp giữa Giáo hội và Nhà nước Indonesia. Nước này có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh từ năm 1950, và tương quan tốt đẹp được hiện thực hóa trong thời gian gần đây trong các dự án hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa. Sự hòa hợp này đã được tái khẳng định, giữa những điều khác, trong chuyến thăm chính thức của Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin vào năm 2015.

Tuy nhiên, Giáo hội ở Indonesia gặp không ít những khó khăn và xung đột. Nhiều quy định khác nhau của hệ thống pháp luật Indonesia trừng phạt các nhóm thiểu số và vì lý do này, chúng cũng đã bị Giáo hội chỉ trích. Đó là trường hợp lạm dụng luật về tội báng bổ phạm thượng, luật xây dựng nơi thờ tự (được quy định bởi hai nghị định năm 1969 và 2006) thường được sử dụng để ngăn chặn hoặc tùy tiện đóng cửa các công trình tôn giáo, và luật về hôn nhân, vốn chỉ công nhận là hợp pháp các cuộc kết hợp được cử hành theo nghi thức và quy tắc của một tôn giáo duy nhất, do đó cấm hôn nhân hỗn hợp. Ngoài những quy định này, còn có nhiều biện pháp khác nhau đã được chính quyền địa phương áp dụng: kể từ năm 1999, hơn 150 quy định hạn chế tôn giáo mới mang tính khu vực đã được ban hành.

Mối đe dọa chính đối với hòa bình và hòa hợp tôn giáo được thể hiện qua sự lan rộng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, đã kích động xung đột giáo phái ở nhiều nơi trên quần đảo, gây ra các mạng lưới khủng bố địa phương có liên kết với al-Qaeda và sau đó là nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tại tỉnh Aceh, nơi duy nhất luật Hồi giáo Sharia có hiệu lực, luật này được áp dụng theo cách ngày càng cứng nhắc và tùy tiện, nhiều nơi thờ phượng đã bị đóng cửa vì “bất hợp pháp”, dưới áp lực từ những người theo trào lưu cực đoan ở địa phương.

Trước chủ nghĩa cực đoan lan tràn ở Indonesia, có một bộ phận đáng kể người Hồi giáo ôn hòa, các nhà lãnh đạo và trí thức sẵn sàng đối thoại. Một cam kết được chia sẻ tích cực bởi Giáo hội Công giáo, vốn có một trong những điểm trọng tâm trong việc thúc đẩy đối thoại liên tôn và các nguyên tắc hòa hợp của Pancasila.

** Cộng đoàn Công giáo Indonesia thiểu số nhưng sinh động

Giáo hội tại Indonesia là một thực tại thiểu số, nhưng năng động và đang phát triển. Có mặt tại quần đảo này từ thế kỷ 16, Giáo hội đã phát triển ổn định kể từ thế kỷ 19 nhờ khả năng hội nhập Tin Mừng. Ngày nay có hơn 8 triệu tín hữu, chỉ hơn 3% dân số, Giáo hội tiếp tục phát triển. Sự hiện diện của người Công giáo trên lãnh thổ không đồng nhất: một mặt, có các giáo phận gần như hoàn toàn Công giáo như ở Ende, Ruteni, Atambua và Larantuka; mặt khác, có ít nhất 8 giáo phận trong đó cộng đồng Công giáo không quá 1% cư dân.

Tuy nhỏ bé, cộng đồng Công giáo Indonesia là một thực tại sống động và năng động, với ơn gọi ngày càng gia tăng trong nhiều thành phần khác nhau và trong đó các tín hữu giáo dân được quan tâm chăm sóc mục vụ. Họ cũng tích cực tham gia vào đời sống xã hội, kinh tế và chính trị của đất nước. Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của sức sống này đến từ lĩnh vực mà Giáo hội hoạt động tích cực nhất: lĩnh vực giáo dục. Các trường Công giáo ở Indonesia luôn có danh tiếng xuất sắc và cũng có học sinh Hồi giáo theo học.

Là một Giáo hội hiện diện trong xã hội, Giáo hội Công giáo Indonesia được công nhận và đánh giá cao về các hoạt động xã hội, y tế, văn hóa và giáo dục cho các nhóm sắc tộc và văn hóa khác nhau. Giáo hội Indonesia cũng hiện diện trong các vấn đề trọng tâm của cuộc tranh luận công khai trên toàn quốc. Từ những lời kêu gọi lặp đi lặp lại chống lại án tử hình, đến việc phản đối việc hợp pháp hóa phá thai ở Indonesia, đến những lời tố cáo liên tục về tình trạng tham nhũng tràn lan, đến những lời kêu gọi bảo vệ môi trường, đến việc tích cực bảo vệ quyền lợi của người dân, đến việc áp dụng các nguyên tắc của Pancasila chống lại mọi chủ nghĩa cực đoan, các giám mục Indonesia chưa bao giờ ngừng lên tiếng về các vấn đề khác nhau của xã hội Indonesia.

Đối mặt với những thách đố do bối cảnh tôn giáo, văn hóa và xã hội phức tạp và đang thay đổi ở Indonesia, hoạt động của Giáo hội trong những năm gần đây đã tuân theo một số hướng dẫn cơ bản được các giám mục vạch ra vào năm 2014: khởi động lại con đường mục vụ và truyền giáo (cũng thông qua các phương tiện truyền thông mới), đi theo con đường được Đức Thánh Cha Phanxicô vạch ra trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” và mô hình “Giáo hội đi ra” của ngài; nhìn nhận giá trị của chủ nghĩa đa văn hóa như một tài sản của Giáo hội; tăng cường đối thoại liên tôn; thúc đẩy các sáng kiến ​​bác ái.

Theo quan điểm này, các giám mục tập trung sự chú ý đặc biệt vào giới trẻ để họ trở thành nhân vật chính trong việc loan báo Chúa Kitô trong xã hội đa văn hóa Indonesia và là “những tác nhân thay đổi” cho công lý và hòa bình ở đất nước họ.

Cùng với giới trẻ, các giám mục cũng muốn phát huy vai trò chủ đạo của các gia đình Công giáo trong việc truyền giáo trong xã hội đa nguyên của Indonesia. Đây là một trong những dấu hiệu chính nổi lên từ Đại hội toàn quốc của Giáo hội Công giáo Indonesia về gia đình (Sagki 2015) có chủ đề “Gia đình Công giáo, Tin Mừng của niềm hy vọng. Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo hội và trong xã hội đa nguyên Indonesia”, theo các chủ đề được đề cập trong hai Thượng Hội đồng Giám mục ở Roma năm 2014 và 2015. Đây cũng là cơ hội để nhắc lại sự quan tâm của Giáo hội đối với các vấn đề và đau khổ của các gia đình Indonesia và nhắc lại vai trò quan trọng của gia đình trong xã hội.

** Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Indonesia vào đầu tháng 9

Logo của chuyến viếng thăm này có hình ảnh Đức Thánh Cha giơ tay ban phép lành; ngài đứng trước tượng một con “Garuda” bằng vàng, một con đại bàng linh vật, được mô tả theo cách gợi nhớ đến loại vải “batik” truyền thống của Indonesia. Có một bản đồ của Indonesia, một quần đảo được đặc trưng bởi sự đa dạng về sắc tộc và nhóm xã hội, ngôn ngữ, văn hóa và tín ngưỡng tôn giáo.

Khẩu hiệu của chuyến viếng thăm Indonesia là “Đức Tin - Tình Huynh Đệ - Sự Cảm thông”.

Theo chương trình được Phòng báo chí Toà Thánh công bố, vào ngày 2/9, Đức Thánh Cha sẽ lên đường đến Indonesia, bắt đầu chuyến viếng thăm kéo dài gần hai tuần. Ngài sẽ đến sân bay quốc tế Jakarta Soekarno-Hatta vào lúc 11:30 sáng ngày 3/9 và tại đây sẽ diễn ra nghi thức chào đón chính thức.

Trong ngày 4/9, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ hữu nghị Tổng thống và sau đó là gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn. Kế đến, ngài sẽ gặp riêng các tu sĩ Dòng Tên. Vào ban chiều, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh và giáo lý viên; và sau đó ngài sẽ gặp gỡ các bạn trẻ.

Vào ngày 5/9, vào ban sáng, Đức Thánh Cha sẽ tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn, và sau đó ngài sẽ gặp gỡ những người được các tổ chức bác ái giúp đỡ. Vào ban chiều, ngài sẽ chủ sự Thánh lễ tại sân vận động Gelora Bung Karno, kết thúc chuyến viếng thăm Indonesia.

Ngày 6/9 Đức Thánh Cha sẽ bay đến thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-08/giao-hoi-cong-giao-indonesia-cuoc-vieng-tham-dtc-phanxico.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: