Trung tâm chữa lành Rebero ở Rwanda

Blog Single
Trên ngọn đồi cao nhất ở Kigali của Rwanda, hiện có một trung tâm Công giáo Rebero do hiệp hội “Ibakwe-đứng lên” thành lập. Những người đến đây được học cách “từ bỏ cái chết để tìm lại sự bình an”, từ đó trở thành người xây những cây cầu hoà bình. Đây là một thách đố trong một đất nước vẫn còn bị đánh dấu bởi cuộc diệt chủng năm 1994.

Vatican News

Ở đất nước với nhiều đồi núi, từ khi cuộc diệt chủng xảy ra đến nay, nhiều tổ chức phi chính phủ vẫn đang nỗ lực hoạt động hoà giải mọi người. Trung tâm Công giáo Rebero là một trong những trung tâm làm việc cho sứ vụ này.

Cha Vincent Nyamaganda, linh mục tuyên uý bệnh viện Butare cho biết phương pháp tiếp cận của trung tâm là giúp mọi người ý thức mình thực sự là một cá nhân trước khi muốn gặp gỡ người khác. Vấn đề sắc tộc không chỉ làm cho mọi người chia rẽ nhưng còn làm cho chính mỗi người tìm cách che dấu chính mình. Con người là quan trọng nhất cần phải tập trung vào điều này. Nơi mỗi người đều có điều gì đó hướng về tình yêu thương, giúp chúng ta vượt qua trở ngại và những khác biệt.

Các khoá đào tạo do IBAKWE đưa ra có thể kéo dài từ 4 ngày đến hai năm. Mục đích là giúp mọi người chuyển từ cảm xúc sang trách nhiệm.

Tiến trình này được chia thành ba bước. Đầu tiên, thực hiện hoá nội lực nơi mỗi người với những câu hỏi: Điều gì làm tôi sống? Tình yêu ban đầu của tôi là gì? Sang bước thứ hai, một giai đoạn không dễ vì phải làm việc trên những gì người bị chấn thương đã trải qua, mục tiêu là sau khi đọc lại những gì đã xảy ra, xem xét cuộc sống tiếp tục đi đến đâu và sẽ như thế nào. Ở điểm này cha Vincent cho biết cần phải “rời bỏ cái chết để tìm lại sự sống”, vì thực tế sau nhiều năm diệt chủng có những người vẫn còn sợ những người sống sót. Cuối cùng sang đến giai đoạn thứ ba, trong thời gian này người thực hiện khoá dần dần hướng đến một chân trời khác, trở thành người xây dựng hoà bình.

Không giống như nhiều cách tiếp cận có nguồn gốc từ phương Tây, dựa trên thực tế ở Rwanda, quá trình dẫn đến việc thành lập IBAKWE rất khác. Thực tế, chính người dân Rwanda đã nhận thấy sự liên quan của cái gọi là cách tiếp cận “con người toàn diện”.

Tất cả được bắt đầu từ sơ Godberta. Năm 1957, cha mẹ sơ phải tị nạn ở nước láng giềng Burundi để thoát khỏi bạo lực sắc tộc. Mấy năm sau, sơ tham gia làm tuyên úy trong tù, nhưng không thể hiểu và đồng hành tốt với những người trẻ. Từ năm 1984-1986, qua quá trình đào tạo tại Viện Đào tạo Con người Toàn diện ở Montreal, Canada sơ có trực giác rằng phương pháp ban đầu do nhà tâm lý học Jeannine Guindon phát triển có thể giúp ích.

Sự lựa chọn mang tính quyết định được sơ đưa ra vào năm 1996, hai năm sau nạn diệt chủng. Thay vì ở lại Canada để được đào tạo tâm lý vững chắc, sơ quyết định trở về nước để thực hành và giúp người khác thực hành phương pháp này. Về quê hương, sơ thấy những người trẻ mồ côi, những người bị nạn diệt chủng huỷ hoại.

Khó khăn rất lớn: với những gì đã xảy ra, những người này phải có khả năng chấp nhận chính mình. Trong những tình huống này, cách tiếp cận toàn diện con người ngang qua việc chỉ cần tìm kiếm sức mạnh quan trọng và không đòi hỏi bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Khi biết ý định của sơ, một số nữ tu của các hội dòng khác đã đến hỗ trợ.

Năm 2011, hiệp hội IBAKWE ra đời, hiện nay có khoảng bốn mươi thành viên, tất cả đều được đào tạo và hoạt động cho mọi thành phần. Các thành viên giúp đào tạo ở trường học, trại tị nạn, bệnh viên. Ví dụ, tất cả nhân viên tại bệnh viện tâm thần Ndera ở ngoại ô Kigali đều đã tham gia khóa đào tạo dành cho những người xây dựng cầu hòa bình: 360 giờ làm việc cho mỗi cộng tác viên, cộng với hỗ trợ lâu dài. Theo yêu cầu của Caritas Rwanda, IBAKWE cũng đào tạo những người hoạt động tích cực tại các tòa án Gacaca.

Từ các khoá đào tạo này, nhiều người Rwanda đã được chữa lành, tìm lại chính mình và có tương quan tốt với người khác. Có người thú nhận cần phải kiểm soát sự thù hận trong mình không để nó làm chủ mình. Hơn nữa, trong quá trình tham gia đã thúc đẩy họ đi đến cội nguồn bản thân. Trước đức tin, giáo dục tôn giáo, văn hóa và gia đình, họ tìm kiếm một hình thức tồn tại cho mình.

Trung tâm dành cho tất cả mọi người thuộc mọi tôn giáo. sơ Marie Geneviève thuộc Dòng Con Đức Mẹ kể lại một chứng từ: Trong một khoá đào tạo 4 ngày có một người Hồi giáo. Người này mặc dù được yêu cầu nhưng không chịu tháo ba lô. Kết thúc khoá, anh đã thú nhận rằng có một quả lựu đạn bên trong... để đề phòng. Anh thốt lên: “Sẽ không còn ai có thể nói với tôi rằng tôi không thể ngồi với một Kitô hữu nữa. Bây giờ tôi tìm thấy Allah trong những gì tôi trải nghiệm”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-08/trung-tam-chua-lanh-rwanda.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: