Phỏng vấn ĐHY Ignatius Suharyo về chuyến tông du của ĐTC Phanxicô đến Indonesia

Blog Single
Trong bầu khí phấn khởi trước chuyến tông du của Đức Thánh Cha, trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin Mừng, Đức Hồng Y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjo, Tổng Giám Mục Jakarta cho biết lý do của cuộc hành hương của Đức Thánh Cha, và những hy vọng đang đến trong đất nước có đa số dân theo Hồi giáo.

Vatican News

Thưa Đức Hồng Y, ngài có thể đưa ra một bức tranh về Giáo hội Công giáo ở Indonesia không?

Indonesia là một quốc gia rất rộng lớn và bối cảnh rất khác nhau, từ đảo này sang đảo khác, ở mọi cấp độ: địa lý tự nhiên, bối cảnh xã hội, văn hóa và tôn giáo, trình độ phát triển và giáo dục. Sự đa dạng này chắc chắn mang lại sự phong phú nhưng về mặt khách quan, cũng có những vấn đề, đó là một thách đố cho sự thống nhất quốc gia. Nói chung, người Công giáo ở Indonesia sống hòa hợp với các thành phần khác của xã hội trong đó phần lớn theo Hồi giáo. Ngay cả trong sự mở rộng và hiện diện của Giáo hội Công giáo trong quần đảo, cũng có thể nhận thấy những khác biệt lớn: nếu bạn đến Flores, thuộc tỉnh Đông Nusa Tenngara, bạn sẽ thấy một đảo nơi phần lớn dân là Công giáo; nhưng nếu bạn tới Tây Sumatra, tỷ lệ này sẽ gần bằng 0. Như thế, trong một bối cảnh rất đa dạng, tiêu chuẩn chung là sống và làm chứng cho đức tin một cách đơn sơ và hiền lành, và có những mối quan hệ tốt đẹp với tất cả. Theo dữ liệu từ Hội đồng Giám mục Indonesia, có khoảng 10,5 triệu người Công giáo ở 34 tỉnh của Indonesia, trong tổng số hơn 275 triệu dân.

Cuộc sống hàng ngày của cộng đoàn Kitô hữu như thế nào trong Tổng Giáo Phận của Đức Hồng Y?

Các tín hữu tham gia đông đảo vào đời sống mục vụ, phụng vụ, hoạt động bác ái. Các nhà thờ luôn đông đúc, với cả trẻ em và người trẻ. Mô hình thấm sâu, hoạt động tốt, là các cộng đoàn nhỏ - theo mô hình của các cộng đoàn Giáo hội cơ bản - mà trong ngôn ngữ địa phương chúng tôi gọi là lingkungan, một thuật ngữ có nghĩa là “vòng tròn”, được Alberto Soejapranata sử dụng lần đầu tiên vào năm 1934. Đó là những cộng đoàn nhỏ gồm các gia đình Kitô giáo, ở các khu phố, quy tụ lại để đọc Kinh thánh, cầu nguyện. Đó là mô hình của một giáo xứ “lan tỏa”, không tập trung, phát triển mạnh mẽ ở các vùng ngoại ô. Rồi trong tiến trình hiệp hành, các đại diện của lingkungan mang những trải nghiệm và nhu cầu của họ trở lại toàn thể cộng đoàn, “muối đất, men cho bột, ánh sáng thế gian”. Đây là một mô hình đời sống giáo hội được lan tỏa trên đảo Java và là mô hình mà sau một trăm năm hiện diện đã tạo nên Giáo hội như hôm nay: mục tiêu là trở thành một cộng đoàn theo Công đồng Vatican II (Gaudium et Spes), nghĩa là dìm mình vào thế giới, một cộng đoàn chào đón niềm vui, hy vọng, đấu tranh, đau khổ của nhân loại.

Tại sao khẩu hiệu được chọn cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là “đức tin, tình huynh đệ, lòng trắc ẩn”?

Hồng ân đức tin tạo ra tình huynh đệ và lòng trắc ẩn. Và lòng trắc ẩn là nét đặc trưng của người Indonesia. Tôi đã đọc một phúc trình quốc tế về World Giving Index do Charities Aid Foundation công bố: trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2023, người dân Indonesia đứng đầu thế giới, trong số 146 quốc gia. Đây là chỉ số đo lường lòng quảng đại và các khoản quyên góp tự nguyện, trong các trường hợp khẩn cấp hoặc nhu cầu khác nhau ở cấp độ quốc tế. Tôi nhớ trong thời đại dịch, nhiều nguồn lực cần thiết cho người nghèo, trong mọi lĩnh vực, đến từ các khoản quyên góp tư nhân và do đó, từ lòng trắc ẩn của mỗi công dân.

Là Kitô hữu chúng ta đặc biệt được truyền cảm hứng từ lòng trắc ẩn của Chúa. Đối với chúng tôi lòng trắc ẩn cũng là một cách truyền giáo: mỗi năm, ở Jakarta chúng tôi có khoảng 4.000 người lớn xin rửa tội, đây là một ân ban tuyệt vời của Chúa. Động lực để những người này xin gia nhập Công giáo khác nhau: được đánh động khi tham dự lễ tang Công giáo, buổi cầu nguyện, hoặc tiếp xúc với cộng đoàn Công giáo trong những tình huống khác nhau.

Ví dụ khi tham dự một đám tang Công giáo họ được đánh động bởi lời cầu nguyện và, trên hết, bởi cách mà gia đình người quá cố được giúp đỡ. Họ được đánh động khi chứng kiến sự hiệp thông, sự giúp đỡ và tình thương thương lẫn nhau giữa các thành viên của cộng đoàn Kitô giáo.

Đây có phải cũng là cách tiếp cận cho mối quan hệ của Giáo hội với Hồi giáo không?

Tương quan của chúng tôi với cộng đồng Hồi giáo thực sự tốt đẹp. Và mối quan hệ hòa hợp này cũng đã có từ khi quốc gia này ra đời và được duy trì. Biểu tượng của mối quan hệ này là, tại Jakarta, chính vị trí của nhà thờ chính toà và đền thờ Hồi giáo Istiqlal, đối diện nhau để gửi đến mọi người thông điệp về cuộc đối thoại hiệu quả và hòa hợp. Nhà thờ chính toà được xây vào đầu những năm 1900, và sau đó đền thờ Hồi giáo được xây dựng ở phía bên kia đường. Sukarno, cha đẻ của đất nước và là Tổng thống đầu tiên, muốn xây dựng nhà thờ ở đây vì hai lý do: trên mảnh đất đó có một lâu đài của Hà Lan, và do đó ông muốn thay thế ký ức về chủ nghĩa thực dân; thứ hai, sự hiện diện của nhà thờ chính toà và đền thờ Hồi giáo tại quảng trường độc lập vĩ đại của chúng tôi sẽ trở thành biểu tượng mạnh mẽ cho sự hòa hợp tôn giáo của chúng tôi. Đó là biểu tượng của tình thân hữu mà việc hoàn thành gần đây “đường hầm tình huynh đệ” - được Tổng thống Joko Widodo mong muốn, khôi phục và định nghĩa theo cách này - thể hiện ngày càng rõ ràng hơn. Là tổng giám mục, tôi có mối liên kết cảm phục và tình bạn với Imam của đền thờ Hồi giáo. Nhưng giữa những người dân, mối quan hệ cũng tốt: có bầu khí chia sẻ và tình bạn thể hiện trong các ngày lễ của hai bên. Hàng năm vào lễ hiến tế Hồi giáo, chúng tôi tặng cộng đoàn Hồi giáo một con bò, và vị Imam luôn nói với các tín đồ rằng đó là món quà từ chúng tôi, “đến từ những người anh em của chúng ta”. Vào lễ Giáng sinh và Phục sinh, các tín đồ Hồi giáo đến nhà thờ, chào mọi người và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất: một thông lệ đã phổ biến ở nhiều nhà thờ Indonesia. Đây là những cử chỉ được truyền thông đại chúng phát sóng và thể hiện tâm hồn của Indonesia.

Và điều gì xảy ra trong những trường hợp có vấn đề giữa người Hồi giáo và Kitô hữu?

Thường thì thống đốc, thị trưởng, chính quyền dân sự, cùng với các vị lãnh đạo tôn giáo, cùng nhau làm việc: chúng tôi có Diễn đàn liên lạc và đối thoại liên tôn được kêu gọi để giải quyết các vấn đề chung sống. Nhìn chung, có sự hiện diện mạnh mẽ của Nhà nước - bất kể chính phủ nào phụ trách - quan tâm đến việc duy trì sự hòa hợp xã hội và tôn giáo. Cũng cần lưu ý rằng các nhóm cực đoan hoặc bạo lực rất ít. Hai hiệp hội Hồi giáo lớn, Muhammadiyah và Nahdlatul Ulama (NU), chào đón hàng triệu tín đồ Hồi giáo, đi đầu trong việc thúc đẩy và duy trì sự chung sống liên tôn và cô lập những nhóm cực đoan. Chúng tôi có mối quan hệ rất chặt chẽ với họ. Hai hiệp hội đó hướng dẫn các tín đồ Hồi giáo. Nếu trong những năm gần đây đã có những nỗ lực - luôn đến từ nước ngoài - nhằm tạo ra một loại Hồi giáo xuyên quốc gia theo đường lối của ISIS, thì Hồi giáo Indonesia đã rất thận trọng và sẵn sàng từ chối. Tôi muốn nhắc lại rằng Hồi giáo đến Indonesia không phải thông qua vũ khí, nhưng qua thương mại và thể hiện một bộ mặt cụ thể mà chúng tôi gọi là “Hồi giáo Nusantara”, nghĩa là Hồi giáo của quần đảo. Tôi cho rằng đó là một Hồi giáo “rất Indonesia”. Nghĩa là rất khoan dung, chào đón, và biết cách xây dựng tình huynh đệ và tham gia vào “đối thoại cuộc sống”. Nhờ có hình thức đối thoại này, chúng tôi cùng nhau làm việc vì lợi ích của người dân, vì giáo dục, chăm sóc sức khỏe, vì nhân loại.
Tất cả các lãnh đạo tôn giáo đều thực sự nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc duy trì sự hài hòa của đời sống xã hội. Và nếu có những trường hợp xung đột riêng lẻ, cần lưu ý rằng chúng rất ít và không đáng kể so với lãnh thổ rộng lớn của Indonesia với 17 nghìn hòn đảo và dân số đông, 275 triệu người. Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng xung đột, khi xảy ra, thường không thực sự có lý do tôn giáo, nhưng sử dụng cho mục đích chính trị.

Đức Hồng Y đang chuẩn bị cho cuộc thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô như thế nào?

Cuộc viếng thăm kéo dài ba ngày rất quan trọng. Trước hết, tôi muốn nhắc lại tính liên tục lịch sử: cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha không liên quan đến lịch sử mối quan hệ của Indonesia với Tòa thánh. Trước đây, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đến thăm Indonesia vào năm 1970, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1989. Hôm nay, chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô là dấu hiệu của sự tôn trọng lẫn nhau ngày càng tăng, bắt đầu từ thời điểm Indonesia giành được độc lập.

Thứ hai, đó là dấu hiệu của sự trân trọng của Đức Thánh Cha đối với người dân Indonesia, đặc biệt là về mặt tự do tôn giáo và sự chung sống liên tôn cũng như sự hòa hợp giữa các cộng đoàn đức tin.

Cuộc viếng thăm là một dấu hiệu quan trọng và là một món quà cho tất cả. Nhưng đối với chúng tôi, Kitô hữu ở đây, ngoài khoảnh khắc mừng vui, điều quan trọng không kém là đào sâu và hiện thực hóa giáo huấn của Đức Thánh Cha, ví dụ như bằng cách cố gắng thực hành và sống Tuyên bố Abu Dhabi về tình huynh đệ nhân loại và các thông điệp Fratelli tutti và Laudato si’ về việc chăm sóc ngôi nhà chung.

Đối với những người, đặc biệt là ở phương Tây hỏi tôi, ngạc nhiên hay nghi ngờ, làm thế nào người ta có thể sống hòa thuận hoặc tự do ở Indonesia, một quốc gia có đa số Hồi giáo, tôi thường nói: hãy đến và bạn sẽ thấy. Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha cũng sẽ là thời điểm mà toàn thế giới - thông qua các phương tiện truyền thông và với sự cộng hưởng quốc tế - sẽ có thể “đến và xem”.

Người Công giáo và tất cả người Indonesia trải nghiệm sự chờ đợi Đức Thánh Cha như thế nào?

Có sự mong đợi lớn, bạn có thể thấy điều đó ở các tín hữu tham dự tại các giáo xứ mà tôi đến thăm vào mỗi Chúa nhật. Các sự kiện có Đức Thánh Cha sẽ rất đông đúc, mọi người sẽ đến Jakarta từ mọi giáo phận, dự kiến có 80.000 người đến Sân vận động Quốc gia để tham dự Thánh lễ. Có một Ủy ban tổ chức hiệp nhất Giáo hội Công giáo và chính phủ. Tại thời điểm này, sự phấn khởi được thể hiện rõ ràng, và cả sự chuẩn bị thiêng liêng trong các cộng đoàn dựa trên khẩu hiệu “Đức tin, tình huynh đệ và lòng trắc ẩn”.

Chúng tôi cảm thấy rất gần gũi với Đức Thánh Cha, với phong cách của ngài, và giáo huấn của ngài thường được trích dẫn ở Indonesia, ngay cả các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo Hồi giáo cũng thường nói đến các giáo huấn này. Chỉ cần nói rằng người đầu tiên công khai xác nhận chuyến thăm Indonesia của Đức Thánh Cha - trước chính phủ và trước Hội đồng Giám mục - là Imam của đền thờ Hồi giáo Istiqlal, nơi Đức Thánh Cha sẽ đến thăm: ông không thể giữ niềm vui lớn này.

Đức Hồng Y thấy gì khi hướng đến tương lai của Giáo hội tại Indonesia?

Đối với tương lai đức tin tại Indonesia - để Tin Mừng có thể tiếp tục phát triển và đơm hoa kết trái trong các nền văn hóa của Indonesia - tôi tin rằng điều này trên hết có thể đạt được thông qua chứng tá của chúng tôi trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe, qua dịch vụ xã hội và bác ái: nhưng chắc chắn không phải thông qua một chiến lược, mà chỉ bằng tình yêu thương của chúng ta dành cho mọi người! Trở nên anh chị em của nhau là điều tốt nhất chúng ta có thể cung cấp trong dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, trong các hoạt động liên đới. Đó là đức tin vào Chúa Quan Phòng: chúng ta hãy làm phần việc của mình, chúng ta góp năm chiếc bánh và hai con cá của mình, để làm chứng cho tình yêu của Người dành cho nhân loại: Chúa sẽ làm phần còn lại.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-08/phong-van-dhy-suharyo-tong-du-dtc-indonesia.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: