Thánh Lễ Mừng Kính Đức Mẹ Sầu Bi tại TTHH Đức Mẹ Núi Cúi

Thánh Lễ Mừng Kính Đức Mẹ Sầu Bi tại TTHH Đức Mẹ Núi Cúi

“Nhờ mẫu gương tuyệt vời của Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con luôn biết nhìn ngắm và noi theo Mẹ trong cuộc sống và thi hành ý Chúa. Xin Mẹ giúp chúng con can đảm bước theo Mẹ, biết dâng hiến toàn vẹn cuộc đời để phụng sự Chúa, và vận dụng mọi hy sinh trong ngày sống.” Đó là một trong những tâm tình cầu nguyện của hơn 1100 hiền mẫu “là những người vợ, người mẹ khổ đau” đến từ các giáo xứ trong Giáo phận đã tham dự chương trình và Thánh Lễ mừng Kính Mẹ Sầu Bi tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi hôm sáng Chúa Nhật 15/9/2024 vừa qua.
Từ lời mời từ Cha Gb. Nguyễn Văn Thành - Đặc trách Giới Hiền mẫu Giáo phận, đã có rất đông quý hiền mẫu với nhiều độ tuổi không quản ngại hành trình, xếp lại những lo toan, bận rộn để về TTHH Đức Mẹ Núi Cúi, vừa để hành hương kính Mẹ, vừa để ngắm nhìn Đức Maria trong khuôn mặt Mẹ Sầu Bi, trong tín thác phó dâng cho Mẹ Maria bao đau khổ của họ.

Ngoài những lời kinh viếng Đức Mẹ mà mỗi bà mẹ đều tranh thủ dâng lên Mẹ Maria, chương trình của ngày Lễ khởi đầu với phần diễn nguyện trước Thánh Lễ. Phần diễn nguyện như là câu chuyện đời thực của mỗi người mẹ, trong những khó khăn, đau khổ tinh thần lẫn vật chất, trong biết bao nước mắt mà họ có thể khóc, chảy ngược vào trong tim, khi nhìn lên Mẹ Sầu Bi, và Thập Giá Chúa Kitô.

Thánh Lễ với phụng vụ mừng Kính Mẹ Sầu Bi do Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Giáo phận chủ tế. Cùng đồng tế với Đức Cha có Cha Đặc trách và quý cha.
Trong phần nhập lễ, Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Giáo phận, đã ngỏ lời với các bà mẹ đang hiện diện trong Thánh Lễ, “Hôm nay, niềm tin của Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng lên mầu nhiệm Đức Mẹ Sầu Bi. Và mầu nhiệm Đức Mẹ Sầu Bi gắn liền với mầu nhiệm Suy tôn Thánh Giá, Mẹ sầu bi bên Chúa Con của Mẹ. Và chúng ta mời gọi những người mẹ đang gặp những khó khăn trong lời cầu nguyện đặc biệt của ngày hôm nay.”
Từ các bài đọc phụng vụ Lời Chúa, ý tưởng đầu tiên mà Đức Cha giúp cộng đoàn, đặc biệt là các bà mẹ đang gặp khó khăn cùng suy chiêm đến những đau khổ của Mẹ Maria, trong sự hiệp thông, gắn kết với mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm Thập Giá của Chúa Giêsu, Con Mẹ. Qua các Tin Mừng thuật lại, “Mẹ Maria đã vất vả cùng với Chúa Con,” cũng như Mẹ đau khổ cùng với “Chúa Con trong nhân tính làm người.” Từ các ý tưởng chính yếu này, Đức Cha đã lấy Tin Mừng để dẫn giải, làm sáng tỏ sự đau khổ của Mẹ Maria trong từng giai đoạn của Con Mẹ. Để không chỉ suy niệm đau khổ của Mẹ Maria từ Tin Mừng, nhưng Đức Cha cũng liên kết ngay vào những khó khăn, đau khổ của các bà mẹ trong nhiều tình huống, thách đố mà họ gặp phải. Đức Cha nhấn mạnh và mong muốn mọi người tìm thấy ý nghĩa đặc biệt của sự đau khổ mà Mẹ đã gắn bó với sự đau khổ của Đức Kitô, Con Mẹ. Như Thánh Phaolo và các tông đồ đã chọn lựa, các ngài chọn “rao giảng một Đức Kitô chịu đóng đinh,” ngược lại với não trạng của người Do Thái và Hy Lạp. Tuy nhiên, với những ai tin vào Chúa, họ sẽ thấy “đó là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.” Tiếp đến, giá trị của đau khổ mà Chúa Giêsu chọn lựa, vâng phục, sống với, Đức Cha nói rằng, nhờ bởi chính đau khổ mà Chúa Giêsu chịu, con người mới được cứu độ. Cùng với những dẫn giải, Đức Cha chia sẻ với cộng đoàn “Có những cái khổ không do mình gây nên, nhưng bởi vì thân phận con người…Lại có những đau khổ do mình gây nên, mà mình cần sửa sai cho phù hợp với thánh ý Chúa.”


Liên hệ với thực tế đau khổ mà biết bao anh chị em phía Bắc gặp hoạn nạn, mất mát, khổ đau từ bão Yagi, cùng với lũ lụt, sạt lở…Đức Cha xót xa nhắc đến sự tàn phá thiên nhiên, không bảo vệ môi trường mà con người đã gây nên dẫn đến thiên tai, cũng như nhắc nhớ lời mời gọi hỗ trợ cứu giúp bao nhiêu đồng bào đang đau khổ. Tuy nhiên, như để nhấn mạnh về giá trị đau khổ, và cũng để kết bài giảng, Đức Cha nói, “Đằng khác, trong đau khổ, chúng ta có Chúa ở cùng, đặc biệt, chúng ta được Chúa nhậm lời vì chúng ta có Chúa Kitô Phục Sinh giải đáp cho cuộc đời chúng ta.”
Thánh Lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể, để từ nơi bàn thờ, Mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô được hiện tại hóa khi Giáo Hội cử hành phụng vụ. Để nhờ đó, những người mẹ, đặc biệt những bà mẹ đang gặp khó khăn đau khổ sẽ được thánh hóa khi liên kết với Đức Kitô, trong đau khổ của Người.

Trước khi nhận lãnh phép lành cuối lễ của Đức Cha Giáo phận, vị đại diện trong Ban Trị sự Hiền mẫu Giáo phận đã dâng lên Đức Cha, quý Cha lời cảm ơn vì đã thương xót, quan tâm, đỡ nâng những người mẹ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt. Bên cạnh những tâm tình tri ân, Giới Hiền Mẫu Giáo phận cũng xin góp phần với Caritas Giáo phận những đóng góp để chia sẻ với những anh chị em các vùng miền Bắc đang gặp khó khăn, như lời Đức Cha kêu gọi.
 
Tin: Nt. Teresa Ngọc Lễ, OP
Ảnh: Hoàng Thao - MVTT Hạt Gia Kiệm

Nguồn:

https://giaophanxuanloc.net/nhip-song-giao-phan/thanh-le-mung-kinh-duc-me-sau-bi-tai-tthh-duc-me-nui-cui-24856.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: