Gặp gỡ tân Giám đốc Quốc gia Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hoa Kỳ

Blog Single
Hướng đến Chúa nhật Truyền giáo, 20/10, Vatican News có cuộc gặp gỡ với cha Roger J. Landry, tân Giám đốc Quốc gia Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hoa Kỳ. Từng là thừa sai Lòng thương xót, làm việc cho Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, tham gia cuộc hành hương Thánh Thể, cha đã có những chia sẻ chân thành về công cuộc truyền giáo của cá nhân, Giáo hội Hoa Kỳ, và Giáo hội hoàn vũ.

Vatican News

Thưa cha Landry, được bổ nhiệm làm Giám đốc Quốc gia Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hoa Kỳ, điều này có ý nghĩa gì đối với cha?

Đối với tôi đây là một vinh dự. Khi còn bé, đọc cuộc đời các vị tử đạo truyền giáo vĩ đại, tôi luôn mong ước loan truyền đức tin. Đó là một trong những lý do tại sao tôi trở thành linh mục. Và giờ đây, vài thập kỷ sau, để giành trọn trách nhiệm trong việc tạo ra một linh đạo truyền giáo, hoặc khuyến khích hoặc phát triển, ở Hoa Kỳ, cũng như giúp đỡ tất cả những người đang thực hiện công cuộc truyền giáo ở tuyến đầu của Giáo hội là mang chính Chúa Kitô ngang qua các bí tích, cũng như mang Tin Mừng đến với những người cần Chúa như chúng ta, là một thách đố đáng kinh ngạc và thú vị đối với tôi. Tôi bị choáng ngợp bởi nhu cầu. Tôi thấy dấu tay Chúa đằng sau. Và nếu dấu tay Chúa đằng sau, tôi biết ân sủng sẽ giúp tôi làm công việc này tốt nhất có thể.

Xin cha nói rõ về hoạt động của Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo

Có 1.100 loại lãnh thổ truyền giáo trong Giáo hội, và Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo trên toàn cầu cố gắng làm cho công việc của mình trở nên khả thi. Chúng tôi giúp các Giáo hội địa phương này trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi xây dựng các nhà thờ và trường học trong các lãnh thổ. Chúng tôi xây dựng các chủng viện và các nhà dòng để đào tạo các linh mục và tu sĩ tương lai. Chúng tôi giúp nhiều nhu cầu của các Giáo hội để loan truyền đức tin. Chúng tôi cố gắng cung cấp các nguồn cần thiết cho những nhu cầu cụ thể của họ.

Và đồng thời, ở đây tại Hoa Kỳ, người Công giáo Hoa Kỳ rất quảng đại bất cứ khi nào cần giúp đỡ. Nhưng đôi khi chúng ta cho đi vì lòng bác ái hơn là căn tính truyền giáo. Như Đức Thánh Cha Phanxicô thích nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta không phải có sứ vụ, nhưng chính chúng ta là một sứ vụ. Đây là lý do tại sao chúng ta luôn sống động. Chúng ta tiếp tục duy trì sứ vụ vĩ đại này từ cuối Tin Mừng Mátthêu, và một số người trong chúng ta sẽ làm điều đó ở tuyến đầu, như các nhà truyền giáo và lãnh thổ truyền giáo, nhưng tất cả chúng ta phải hỗ trợ công cuộc loan báo Tin Mừng bằng cầu nguyện, phương tiện vật chất, hy sinh, và cả việc dâng đau khổ để loan truyền Tin Mừng. Vì vậy, những trách nhiệm đó sẽ là nhiệm vụ chính của tôi trong năm năm tới.

Cha đã đề cập đến một số nhu cầu cụ thể quan trọng trong một số khu vực trên thế giới. Vậy xin cha nói thêm điều mà cha cảm thấy đáng được quan tâm nhưng có lẽ đang bị lãng quên?

Trên khắp thế giới có những lãnh thổ truyền giáo khác nhau với những nhu cầu khác nhau, nhưng trong hầu hết mọi hoàn cảnh, không chỉ cần tập trung vào hiện tại nhưng còn tương lai. Qua một trong Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ, chúng tôi hỗ trợ các chủng sinh, hỗ trợ xây dựng các chủng viện mới để trong tương lai các quốc gia truyền giáo không cần phải nhận sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo đến từ bên ngoài, nhưng có thể nâng cao hàng giáo sĩ của mình để phục vụ sứ vụ. Chúng tôi nhận ra rằng hiện chúng tôi đang đón nhận “hoa trái” từ những “hạt giống” mà chúng tôi đã gieo qua nhiều thập kỷ.

Chúng tôi đang đón nhận ơn gọi linh mục từ các quốc gia khác, trở lại giúp chúng tôi. Các quốc gia đang có nhiều ơn gọi là kết quả của công việc truyền giáo của chúng tôi. Chúng tôi đang nhận những ân sủng lớn lao mà Chúa đã ban cho qua những sứ vụ cho phép chúng tôi duy trì và phát triển đức tin của mình ở đây.

Thách đố lớn nhất hiện nay là gì?

Một trong những thách đố lớn mà Giáo hội đang phải đối diện khắp nơi là tinh thần thế tục, sống như thể Thiên Chúa không tồn tại. Điều đó đang tác động đến sứ điệp của Giáo hội ở khắp nơi. Thách đố lớn thứ hai là sự thờ ơ tôn giáo thậm chí ngay cả giữa các tín hữu. Rất nhiều người không nhận ra hồng ân đặc biệt của đức tin Công Giáo. Vấn đề thứ ba luôn là nguồn tài nguyên. Thiên Chúa cung cấp và Người rất quảng đại với chúng ta, nhưng đôi khi, thay vì là người quản lý những nguồn tài nguyên đó, chúng ta lại xây dựng kho lớn hơn để cất giữ như Chúa Giêsu nói trong Kinh Thánh, chứ không sử dụng nguồn này để sinh lợi nhiều nhất có thể. Là Kitô hữu và là người Công giáo, nguồn đó có thể giúp loan truyền kho tàng đức tin mà Chúa đã ban tặng cho chúng ta, để nhờ đó nhiều người khác có thể khám phá và có được viên ngọc vô giá là đức tin. 

Những gì đã thực hiện trước đây ảnh hưởng thế nào đến sứ vụ mới của cha?

Từ khi được mời gọi đảm nhận trách nhiệm mới này, một trong những điều thú vị là tôi tìm lại cuộc sống của mình và cách Chúa đã chuẩn bị cho tôi. Tôi vừa cử hành 25 năm linh mục, và đó là thời gian cầu nguyện tuyệt vời đối với tôi. 

Nghĩ về kinh nghiệm tại Bộ Truyền Giáo, tôi được đặc ân là cùng một lúc có thể loan báo Tin Mừng cho tất cả các quốc gia. Chúng tôi đã làm điều đó chủ yếu thông qua giáo huấn Xã hội Công giáo, nhưng ý thức toàn cầu về Giáo hội là một điều gì đó đã được tăng cường trong bảy năm tôi giúp Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc.

Lòng thương xót lớn nhất mà chúng ta mang đến là lòng thương xót nhập thể, chính Chúa Giêsu, và đó là một nhánh sông chảy vào dòng sông lớn của công việc truyền giáo của Giáo hội. Tôi muốn mang các kỹ năng của các Thừa Sai Lòng Thương Xót đến đó. Chúng ta phải rao giảng lòng thương xót, và tôi sẽ phải rao giảng các sứ vụ. Chúng ta cần là những tác nhân của lòng thương xót đó và các hành động thương xót thể xác và linh hồn. Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện trên toàn thế giới. Tương tự như vậy, tôi cần phải là một người có khả năng mở rộng lòng thương xót bí tích cho người khác. Đây là những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện thông qua các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, để các linh mục giải tội trên toàn thế giới có thể làm những gì mà các Thừa Sai Lòng Thương xót làm. Thời gian làm phụ tá cho Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ cũng là một sự chuẩn bị tuyệt vời cho việc này.

Điều này như thế nào?

Chúng tôi đang giúp đỡ các Kitô hữu bị bách hại và Giáo hội đau khổ trên toàn cầu, và chúng tôi cũng đang giúp đỡ nhiều người đang ở trong lãnh thổ truyền giáo. Chứng kiến những gì Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ đã làm trên toàn cầu đã giúp tập trung tầm nhìn của tôi vào một số nhu cầu cấp bách mà chúng tôi có trong các lãnh thổ truyền giáo. Và cuối cùng, tôi nghĩ một trong những điểm nổi bật tuyệt vời trong cuộc đời tôi là việc có thể mang Chúa Giêsu trong Thánh Thể trong suốt 65 ngày trên khắp đất nước, kinh nghiệm này là một hình ảnh của toàn bộ công việc truyền giáo của Giáo hội là đưa Chúa Giêsu ra khỏi các nhà thờ của chúng ta, đưa Chúa Giêsu ra khỏi mối quan hệ của chúng ta với Người và đưa Người vào trong thế giới.

Chúa đã trả một cái giá quý giá như vậy trên đồi Canvê để cứu chuộc, và Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo không chỉ cố gắng mang Lời Chúa, mà còn là Ngôi Lời Nhập Thể cho toàn cầu, đến tận cùng trái đất. Vì điều này, cuộc hành hương Thánh Thể là một sự chuẩn bị đáng kinh ngạc, không chỉ cho công việc khách quan, mà còn chủ quan đối với tôi.

Thực hiện bằng cách nào?

Tôi đã thưa chuyện với Chúa Giêsu về sứ vụ mới này. Tôi cầu xin Người ban cho tôi sức mạnh và nhiều ân sủng mà Người biết tôi sẽ cần để hoàn thành sứ vụ này. Hành động thể lý của việc đưa Chúa Giêsu lên đường là điều tôi hy vọng sẽ làm, điều này dẫn đến các nỗ lực truyền giáo của Giáo hội.

Cha có điều gì muốn nói về Chúa nhật Truyền giáo sắp tới, 20/10

Chúa nhật Truyền Giáo luôn được cử hành trên toàn thế giới vào Chúa nhật thứ ba của tháng 10. Đây là thời gian để Giáo hội thực sự là Công giáo, trong đó Giáo hội hiệp nhất với mọi người trên toàn cầu. Tất cả chúng ta đều tập trung vào bản chất của Giáo hội, đó là chúng ta đã được sai đi để tiếp tục sứ vụ cứu độ của Chúa Kitô đến tận cùng trái đất. Đó là nơi chúng ta đến với nhau và cùng nhau cầu nguyện như một Giáo hội hiệp nhất vào ngày Chúa nhật Truyền giáo.

Thật quan trọng biết bao khi chúng ta nghĩ về những người đang cố gắng loan truyền đức tin ở tiền tuyến và 1.100 lãnh thổ truyền giáo trên toàn cầu. Chúng ta phải nhớ Thiên Chúa đã chúc phúc cho chúng ta như thế nào, và chia sẻ một số ân phúc đó với những người có ít hơn để họ có thể xây dựng các nhà thờ, xây dựng trường học, xây dựng tu viện, xây dựng chủng viện, để làm cho Giáo hội sống động trong những lĩnh vực đó. Đó là một ân sủng lớn lao cho toàn thể Giáo hội. Ngày 20/10 năm nay là một cơ hội cho tất cả chúng ta tập trung vào việc chúng ta là ai và sau đó trở thành người mà Chúa Kitô đang yêu cầu chúng ta trở thành: tiếp tục sứ vụ cứu độ của Chúa Giêsu.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-10/gap-go-tan-giam-doc-hoi-giao-hoang-truyen-giao-hoa-ky.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: