Người chuyển giới có thể lãnh nhận Bí tích Rửa tội
Vatican News
Trường hợp người chuyển giới
Trước hết về những người chuyển giới, ngay cả khi họ đã trải qua điều trị nội tiết tố hoặc phẫu thuật xác định lại giới tính, vẫn có thể lãnh nhận bí tích rửa tội “nếu không có tình huống nào có nguy cơ gây ra tai tiếng công khai hoặc khiến các tín hữu mất phương hướng”. Và con của các cặp đồng tính luyến ái được phép lãnh nhận Bí tích Rửa tội, ngay cả khi đứa trẻ được sinh ra từ tử cung thuê, miễn là có hy vọng chính đáng rằng chúng sẽ được giáo dục theo đức tin Công giáo.
Đức cha José Negri, giám mục của Santo Amaro ở Brazil, vào tháng 7 năm ngoái đã yêu cầu làm rõ về khả năng lãnh nhận các Bí tích Rửa tội và Hôn phối của những người chuyển giới và đồng tính luyến ái. Các câu trả lời “về bản chất, đề xuất lại những nội dung nền tảng những gì đã được Bộ xác nhận trong quá khứ về chủ đề này”.
Về Bí tích Rửa tội của người chuyển giới, câu trả lời là được, miễn là nó không gây ra tai tiếng, dù là người lớn, trẻ em hay thanh thiếu niên, “nếu có sự chuẩn bị tốt và sẵn sàng”. Trước những nghi ngờ “về hoàn cảnh luân lý khách quan của một người”, hoặc về “những khuynh hướng chủ quan của họ đối với ân sủng” (và do đó cả khi không tỏ ra đầy đủ ý định chỉnh sửa bản thân), Bộ đã đưa ra một số nhận xét. Giáo hội dạy rằng, khi bí tích Rửa tội “được lãnh nhận mà không sám hối các tội trọng, thì chủ thể không nhận được ân sủng thánh hóa, dù cho họ nhận được đặc tính bí tích”, vốn không thể xóa nhòa, được dạy trong Sách Giáo lý, và “vẫn luôn tồn tại nơi người Kitô hữu như một khuynh hướng tích cực hướng tới ân sủng”. Bằng việc trích dẫn Thánh Tôma và Thánh Augustinô, Bộ nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Kitô tiếp tục tìm kiếm các tội nhân và khi có sự ăn năn, đặc tính bí tích đã nhận được ngay lập tức giúp người đó đón nhận ân sủng. Vì lý do này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc lại rằng Giáo hội không phải là một cơ quan hải quan và đặc biệt đối với Bí tích Rửa tội, không được đóng cửa đối với bất kỳ ai.
Vấn đề phức tạp hơn đối với việc một người chuyển giới làm cha hoặc mẹ đỡ đầu trong Bí tích Rửa tội.
Tài liệu cho biết: “Trong một số điều kiện nhất định, điều này có thể được cho phép”, nhưng cần nhớ rằng điều này không phải là một quyền, và do đó “sự thận trọng mục vụ đòi hỏi không được phép làm điều đó nếu có nguy cơ gây tai tiếng, hợp pháp hóa thái quá hoặc làm mất phương hướng trong lĩnh vực giáo dục của cộng đoàn Giáo hội”. Không có trở ngại đối với trường hợp người chuyển giới làm chứng hôn phối, vì không có gì cấm điều đó trong “giáo luật phổ quát hiện hành”.
Trường hợp người đồng tính luyến ái chung sống
Phần thứ hai của tài liệu liên quan đến những người đồng tính luyến ái. Với câu hỏi, họ có thể đóng vai trò với tư cách là cha mẹ của một đứa trẻ sắp được rửa tội, ngay cả khi đứa trẻ được nhận làm con nuôi hoặc bởi “các phương pháp khác như thuê tử cung” không?, Bộ trả lời: “Để em bé được rửa tội thì phải có sự hy vọng có cơ sở rằng em bé ấy sẽ được giáo dục theo Công giáo”.
Sau đó là trường hợp một người đồng tính luyến ái và chung sống xin làm cha hoặc mẹ đỡ đầu của một người được rửa tội. Điều này đòi hỏi phải có “một cuộc sống phù hợp với đức tin và vai trò mà họ đảm nhận. Trường hợp này khác khi việc chung sống của hai người đồng tính luyến ái cốt yếu, không chỉ đơn giản là chung sống, mà là một mối quan hệ ổn định và công khai theo phong tục hôn nhân, được cộng đoàn biết đến”. Bộ Giáo lý Đức tin yêu cầu cần sự thận trọng thích đáng để “bảo vệ bí tích Rửa tội và trên hết là việc lãnh nhận bí tích này, vốn là một kho tàng quý giá cần được bảo vệ, vì nó cần thiết cho ơn cứu độ”. Nhưng Bộ nhắc lại rằng chúng ta phải “xem xét giá trị thực sự mà cộng đoàn Giáo hội trao cho nhiệm vụ của các cha mẹ đỡ đầu, vai trò của họ trong cộng đoàn và sự diễn tả của họ đối với giáo huấn của Giáo hội”. Cuối cùng, khả thể được đề xuất là “có một người khác trong gia đình có thể bảo đảm việc truyền tải đức tin Công giáo một cách đúng đắn cho người được rửa tội”.
Cuối cùng, không có gì có thể ngăn cản “người đồng tính chung sống” làm chứng cho hôn phối.