ĐHY Parolin nhấn mạnh cam kết của Tòa Thánh trong việc hành động vì khí hậu
Vatican News
Khoảng 30 nhà lãnh đạo tôn giáo đại diện cho các cộng đồng và truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đã ký Tuyên bố liên tôn cam kết thúc đẩy cộng đồng của họ chống lại biến đổi khí hậu và kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị thực hiện hành động cụ thể tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP28 vào tháng 12.
Đức Hồng y Parolin đã tham dự lễ ký kết vào tối ngày 6/11/2023 tại Abu Dhabi. Sau buổi lễ, ngài đã nói chuyện với Vatican News về vai trò của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, cũng như vai trò đặc biệt của Tòa Thánh trong ngoại giao quốc tế.
Chiều kích luân lý và đạo đức
Theo Đức Hồng y, vấn đề khí hậu có một chiều kích luân lý và đạo đức, là điều mà Tòa Thánh rất nhấn mạnh. Các nhà lãnh đạo tôn giáo có tiếng nói để nói điều gì đó và tạo thêm động lực cho sự cam kết hiện tại của thế giới nhằm giải quyết vấn đề này.
Sự quan tâm của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh
Quốc vụ khanh Tòa Thánh khẳng định rằng Đức Thánh Cha rất quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu. Bằng chứng cho điều đó là hai tài liệu của Đức Thánh Cha, Laudato si', vốn thực sự là điểm tham khảo của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới và của nhiều chính phủ tại thời điểm diễn ra COP Paris, khi họ ký thỏa thuận về biến đổi khí hậu; và bây giờ là Laudate Deum, một tài liệu cố gắng cập nhật Laudato si'.
ĐHY Parolin cho biết: “Tất nhiên, Tòa Thánh quan tâm đến mọi khía cạnh của vấn đề. Tòa Thánh đang nói về việc giảm lượng khí thải, vấn đề mực nước biển dâng cao, v.v.” Nhưng Tòa Thánh chú trọng vào hai vấn đề.
Lối sống
Trước hết là lối sống. Đức Hồng y Parolin nói: “Việc ném thêm tiền [vào vấn đề] vẫn chưa đủ. Tất nhiên, họ cần [dành nhiều nguồn lực hơn] để giảm thiểu và thích ứng. Tôi không nói rằng việc bỏ tiền vào vấn đề này là không quan trọng, nhưng như vậy là chưa đủ. Chúng ta phải thực sự thay đổi cách sống của mình, để không làm tổn hại đến công trình sáng tạo, không làm tổn hại đến thiên nhiên, nhưng trở thành những người quản lý, như Đức Thánh Cha đã nói”.
Giáo dục
Sau đó là giáo dục. Đức Hồng y Parolin chia sẻ: “Đây là một điểm rất quan trọng khác, để giáo dục thế hệ mới, chỉ có sử dụng theo một cách khác các tài nguyên của thế giới này. Và đây là một cam kết phổ quát và toàn cầu của Tòa Thánh. Chúng tôi cũng đã đề cập đến vấn đề này khi ký kết Thỏa thuận Paris. Chính điểm này đã được Tòa Thánh nhấn mạnh”.
Đức Hồng y Parolin nói thêm rằng mặc dù không có tác động đáng kể đến hiện tượng biến đổi khí hậu, nhưng Tòa Thánh cảm thấy thực sự có thể đóng góp nhiều vào việc giáo dục các thế hệ mới sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên của thế giới này.