Nhân chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Giám mục Bắc Kinh tại Hong Kong

Blog Single
Trong những ngày qua, trang mạng của Giáo phận Hong Kong đưa tin: Đức Giám mục giáo phận Bắc Kinh, Giuse Lý Sơn (Li Shan), Chủ tịch Hội Công giáo Yêu Nước Trung Quốc, sẽ viếng thăm Hong Kong trong 5 ngày, từ 14/11/2023, theo lời mời của Đức tân Hồng Y Stephano Chu Thủ Nhân, (Chow Sau-yan), Giám Mục Hong Kong. Nhân dịp này, báo chí lại quan tâm đến tình hình Công giáo tại Hoa Lục.

Giuse Trần Đức Anh, O.P.

Tương quan thay đổi giữa Tòa Thánh và Trung Quốc

Trước đây, như thời hai Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI, những tin tức về các vụ bắt giam các Giám mục và linh mục Công giáo hầm trú tại Trung Quốc là điều khá thường xuyên, nhưng từ khi có hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các Giám mục, được ký kết lần đầu hồi năm 2018, rồi được gia hạn hai lần, những vụ này ngày càng trở nên ít ỏi hơn. Tuy rằng kết quả của Hiệp định vẫn còn ở xa mức mong đợi của Tòa Thánh. Trong số 99 giáo phận ở Hoa Lục, 40% vẫn chưa có Giám mục coi sóc, và gần đây nhất có vụ Trung Quốc tự ý thuyên chuyển Giám mục, trái với hiệp định đã ký kết với Tòa Thánh, đặt Tòa Thánh vào tình trạng “sự đã rồi” khiến Tòa Thánh phải lên tiếng phản đối.

“Trục trặc”

Ngày 4/4/2023, Đức cha Giuse Thẩm Bân (Shen Bin), Giám mục giáo phận Hải Môn (Haimen) tỉnh Giang Tây (Jiangxi), đã nhậm chức Giám mục chính tòa Thượng Hải. Vị Giám mục này năm nay 53 tuổi (1970) là Phó Chủ tịch Hội Công giáo yêu nước do nhà nước Trung Quốc thành lập và cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc, một tổ chức không được Tòa Thánh công nhận. Đức cha đã được bổ nhiệm năm 2012 với sự công nhận của Tòa Thánh cũng như của Nhà Nước.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, nói rằng: “Tòa Thánh chỉ được thông báo về quyết định này của Nhà cầm quyền Trung Quốc vài ngày trước đó và đã được biết qua báo chí việc nhậm chức này đã được tiến hành sáng thứ Ba, 4/4 vừa qua (2023)”.

Giáo Phận Thượng Hải hiện có khoảng 150 ngàn tín hữu Công giáo và được coi là một cộng đoàn sinh động. Giáo phận này trống tòa trong 10 năm trời từ sau khi Đức cha Aloysius Kim Lỗ Hiến (Jin Luxian) qua đời hồi tháng 4 năm 2013. Đức cha Mã Đại Thanh (Ma Daqin), Giám mục Phụ Tá Thượng Hải do Tòa Thánh bổ nhiệm, lẽ ra tạm thời quản trị giáo phận, nhưng ngài bị quản thúc tại chủng viện cạnh Đền Thánh Đức Mẹ Xà Sơn sau khi công khai rời bỏ Hội Công giáo yêu nước.

Trang mạng của Giáo phận Thượng Hải cho biết có khoảng 200 tín hữu tham dự lễ nhậm chức của Đức cha Thẩm Bân. Trong buổi lễ, Đức cha tuyên bố “sẽ tiếp tục tiến hành truyền thống yêu nước và yêu Giáo hội Công giáo tại Thượng Hải và tuân hành nguyên tắc Giáo hội độc lập và tự quản trị”.

4 tháng trước đó, Tòa Thánh cũng đã phản đối Trung Quốc không tôn trọng Hiệp định đã ký kết về việc bổ nhiệm Giám mục khi bổ nhiệm 1 Giám mục vào một giáo phận không được Tòa Thánh nhìn nhận.

Từ khi Hiệp định tạm thời được ký kết giữa Tòa Thánh và Trung Quốc chỉ có 6 Giám mục được bổ nhiệm. Khoảng 40 giáo phận tại nước này hiện không có Giám mục coi sóc (Asia News 4/4/2023)

Đức cha Lý Sơn

Đức cha Giuse Lý Sơn, Giám mục Bắc Kinh, cũng được coi là nhân vật Công giáo chủ chốt trong Giáo hội Công giáo Trung Quốc: ngài là Chủ tịch Hội Công giáo yêu nước, cơ quan do Nhà Nước Trung Quốc thành lập để điều khiển Giáo hội Công giáo, và trong thư năm 2007 gửi các tín hữu Công giáo tại Hoa Lục, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã cảnh giác các tín hữu Công giáo không được gia nhập hội này. Nhiều Giám mục và linh mục đã bị bắt bớ hoặc xách nhiễu và gặp khó khăn, chỉ vì từ chối không chịu ký tên gia nhập Hội Công giáo Yêu nước này.

Theo báo chí, cũng vì sự kiện Đức cha Lý Sơn là chủ tịch Hội Công giáo Yêu Nước, nên Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Giám mục Hong Kong, cho biết sẽ không đồng tế thánh lễ nếu có với vị Giám mục này, trong cuộc viếng thăm tới đây tại Hong Kong.

Vài con số

Những con số thống kê không cho thấy một hình ảnh sinh động của Giáo hội Công giáo tại Hoa Lục. Một thừa sai Công giáo người Ý ở Hong Kong, cha Fabio Cavata, trong luận án tiến sĩ mới đây, đã nhận xét rằng, trong 20 năm qua, con số các chủng sinh trong các chủng viện ở Trung Quốc đã giảm từ 2.400 thầy trong năm 2000 xuống còn 420 thầy trong năm 2020. Nói chung, Công giáo tại Trung Quốc không phát triển. Một trong những lý do tạo nên hiện tượng này là lệnh cấm tuyệt đối người trẻ Trung Quốc dưới 18 tuổi không được tham dự các sinh hoạt tôn giáo nào. Luật nhà nước cấm dạy giáo lý cho các trẻ vị thành niên tại bất kỳ nơi nào và theo thể thức nào.

Cách đây gần 20 năm, tức là năm 2004, con số chính thức mà người ta có được, không kể Hong Kong và Ma Cao, cho biết các tín hữu Công giáo tại Hoa Lục tập trung nhiều nhất tại các vùng duyên hải phía nam, và tại các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây và Thiểm Tây ở miền bắc. Ngày nay, các nhà nghiên cứu Tây phương không được tự do tìm hiểu về các tôn giáo tại Trung Quốc và người ta đành phải dựa vào những nghiên cứu của các viện dân số của Trung Quốc, đặc biệt là các đại học. Đó là điều Trung Tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) rất uy tín ở Washington đã công bố một loạt các ấn phẩm về các dữ kiện với tựa đề “Đo lường tôn giáo tại Trung Quốc” kèm theo 10 quy luật để cảnh giác về hiện tượng tôn giáo tại nước này là trường hợp duy nhất trên thế giới rất khó giải mã.

Theo những nghiên cứu này, chỉ có gần 10% dân Trung Quốc thuộc về một tôn giáo, tức là giảm từ 12% trong năm 2010 xuống còn 6,5% trong năm 2021. Các tín hữu Kitô, thuộc mọi hệ phái, chỉ vào khoảng gần 1% dân số Trung Quốc.

Hành đạo trong thực tế

Nhưng đồng thời có tới 62% dân Trung Quốc chọn những ngày lành tháng tốt để làm một điều gì đó, 47% tin nơi hiệu năng của “phong thủy”, và 33% nói là mình tin nơi Đức Phật hoặc một vị Bồ Tát nào đó, 26% cho biết họ vẫn đốt hương kính các thần trong các tôn giáo bình dân, và 18% cho biết họ tin nơi Lão giáo.

Trong khi có 20% dân Trung Quốc đăng ký gia nhập đảng cộng sản, tức là 281 triệu người. Đó là một đảng theo nguyên tắc thăng tiến vô thần và khuyên đừng thực hành tôn giáo nào. Vì thế, không có đảng viên nào tuyên bố mình thuộc về 1 trong 5 tôn giáo được Nhà Nước Trung Quốc chính thức nhìn nhận, là Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, Tin Lành và Lão giáo. Dầu vậy, đảng vẫn tỏ ra bao dung đối với nhiều đảng viên thỉnh thoảng đến chùa hoặc đền thờ, hay thực hành những việc tế tự truyền thống, nhưng nếu quá lộ liễu và thường xuyên thì có thể bị khai trừ khỏi đảng.

Trong khi đó, các nhà thờ và nơi thờ phượng của Kitô giáo thì bị canh chừng và kiểm soát nghiêm ngặt, nhiều Giám mục vẫn còn bị giam cầm, hoặc quản thúc, và nhiều trường hợp người ta không có tin tức. Ngoài ra có hơn 1 triệu người Hồi giáo ở Tân Cương bị giam cầm trong các trại cải tạo. Còn các Đền thờ Lão giáo tăng trưởng trong 10 năm qua, từ 3 ngàn lên 9 ngàn, các chùa Phật giáo tăng từ 20 ngàn lên 33.500. (diakonos.be).

Thái độ của Tòa Thánh

Khác với các vị tiền nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thay đổi chính sách của Tòa Thánh đối với Nhà Nước Trung Quốc: ngài chủ trương đối thoại bao nhiêu có thể mặc dù có nhiều người không đồng ý, như Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân. Lập trường này được Đức Thánh Cha tái bày tỏ gần đây trong cuộc phỏng vấn dành cho giới báo chí trong chuyến bay ngày 4/9 vừa qua (2023) từ Mông Cổ về Roma, sau chuyến viếng thăm.

Nữ ký giả của hãng tin Tây ban Nha EFE nhận xét rằng Đức Giáo Hoàng kêu gọi các tín hữu Công giáo Trung Quốc hãy là những tín hữu Kitô tốt và là công dân tốt, nhưng đàng khác nhà cầm quyền Bắc Kinh không cho phép các Giám mục và tín hữu đến Mông Cổ để gặp Đức Giáo Hoàng. Đâu là tương quan giữa Tòa Thánh với Trung Quốc hiện nay?

Đức Thánh Cha cho biết: “Tương quan với Trung Quốc diễn ra trong sự tôn trọng nhau. Bản thân tôi vẫn rất ngưỡng mộ dân tộc Trung Hoa. Về vấn đề bổ nhiệm Giám mục tại Trung Quốc có một ủy ban giữa Tòa Thánh và Chính phủ Trung Quốc làm việc với nhau từ lâu nay, rồi có một số linh mục Công giáo hoặc nhà trí thức Công giáo được mời tới các đại học Trung Quốc để giảng dạy. Tôi tin rằng chúng ta phải tiến triển trên bình diện tôn giáo để hiểu nhau hơn và để các công dân Trung Quốc không nghĩ rằng Giáo hội không chấp nhận văn hóa và các giá trị của họ và không nghĩ họ phải lệ thuộc một thế lực nước ngoài. Ủy ban do Đức Hồng Y Parolin chủ tọa thi hành tốt công tác thân hữu và về phía Trung Quốc các quan hệ cũng đang ở trên một con đường tốt”.

Giám mục Hong Kong

Trong chiều hướng đó, hồi tháng 12/2021, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Cha Stephano Chu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), Bề trên giám tỉnh dòng Tên Trung Hoa, làm Giám mục giáo phận Hong Kong sau hơn 2 năm 4 tháng trống tòa, và hồi cuối tháng 9 vừa qua đã thăng Đức cha làm Hồng Y. Trước đó, hồi tháng tư năm nay, Đức cha đã nhận lời của Đức cha Giuse Lý Sơn viếng thăm giáo phận Bắc Kinh, và trong dịp đó, ngài cũng đã mời Đức Giám mục Bắc Kinh đến thăm Hong Kong, với ý thức rằng ơn gọi của giáo phận Hong Kong là cây cầu liên kết với Giáo hội tại Hoa Lục.

Chúa nhật 5/11/2023, Đức Hồng Y Chu Thủ Nhân đã cử hành Thánh lễ tạ ơn tại Nhà thờ chính tòa Hong Kong sau khi được thăng Hồng Y và sau đó tham dự Thượng Hội đồng Giám mục kỳ thứ 16.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Hồng Y nhắc đến những căng thẳng trong xã hội và Giáo hội tại Hong Kong, và ngài coi kinh nghiệm Thượng Hội đồng Giám mục thế giới như một mẫu gương về sự vượt thắng những khác biệt do quan điểm, lập trường. Đức Hồng Y nói: “Chúng tôi đã học cách tiếp xúc với các tham dự viên có những quan điểm khác, về một vài vấn đề khó khăn mà chúng tôi có lập trường khác nhau. Có những khác biệt mà chúng tôi tôn trọng, nhưng chúng không ngăn cản chúng tôi gặp gỡ nhau. Nói chung, chúng tôi đã học cách cùng nhau đồng hành, để đạt tới một tương lai tốt đẹp hơn, không những cho Giáo hội, nhưng nhất là cho nhân loại và căn nhà chung của chúng ta”.

Với ý hướng đó, trong cuộc viếng thăm 5 ngày tới đây tại Hong Kong, Đức cha Lý Sơn sẽ gặp các cơ quan khác nhau của giáo phận Hong Kong để thăng tiến sự trao đổi và cộng tác giữa hai giáo phận. (Asia News 6/11/2023)

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2023-11/giam-muc-bac-kinh-ly-son-tham-hong-kong-giao-hoi-trung-quoc.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: