Kitô hữu Pakistan được chính thức gọi bằng tên “masihi” thay vì bị gọi cách phân biệt đối xử
Vatican News
Thuật ngữ "esai" hàm ý xúc phạm
Từ ngữ “esai”, thuật ngữ chỉ những công dân Pakistan theo Kitô giáo, là từ tiếng Ả Rập được dụng trong kinh Koran để gọi Chúa Giêsu. Trên thực tế, thuật ngữ “esai” hàm chứa một ý nghĩa xúc phạm bắt nguồn từ sự phân biệt đẳng cấp cổ xưa.
Được sử dụng lần đầu tiên trong thời kỳ thuộc địa, thuật ngữ “esai” chủ yếu đề cập đến những người làm công việc dọn dẹp đường phố và các công việc khác do các tầng lớp thấp hơn thực hiện. Nó có cùng ý nghĩa với thuật ngữ “churha”, thể hiện sự thù địch và ghê tởm, được dịch chính thức là “người quét dọn”, một từ chỉ đẳng cấp Dalit, “những người không nên giao tiếp”.
Trong nhiều năm, thuật ngữ “esai” vẫn giữ một ý nghĩa tiêu cực và được sử dụng như một sự xúc phạm đối với các Kitô hữu, bất kể nghề nghiệp của họ: những bạo lực bằng lời nói như vậy, có tác động về mặt cảm xúc và tâm lý, thường bắt đầu trong các lớp học ở trường, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sự tin tưởng và lòng tự trọng của trẻ em Pakistan theo Kitô giáo.
Hoan nghênh phán quyết của Tòa án
Phán quyết của Tòa án Tối cao, được sự chấp thuận của Hội đồng Tư tưởng Hồi giáo (một khía cạnh quan trọng khác), mở ra một con đường để làm giảm não trạng phân biệt đối xử này: Ủy ban Bầu cử Pakistan đã hành động theo chỉ thị, loại bỏ từ ngữ “esai” khỏi các mẫu đăng ký cử tri, thay thế nó bằng “masihi” và mở đường cho các cơ quan chính phủ khác làm điều tương tự.
Các nhà lãnh đạo cộng đồng Kitô giáo đã hoan nghênh sự phát triển này với sự hài lòng và biết ơn, coi đây là một nỗ lực nhằm thúc đẩy sự chung sống hài hòa trong xã hội.
Cha Qaiser Feroz dòng Phanxicô, Tổng Thư ký điều hành Ủy ban Truyền thông của Hội đồng Giám mục Pakistan, tuyên bố với báo Quan sát viên Roma: “Đó là một quyết định lịch sử bởi vì các tổ chức cuối cùng sẽ thực hiện một bước quan trọng trong việc công nhận bản sắc văn hóa và tôn giáo của các cộng đồng Kitô giáo. Chúng tôi sẽ được gọi như Kinh Thánh định nghĩa, với những từ thích hợp, thể hiện đức tin của chúng tôi”.
Đối với Ủy ban Nhân quyền Quốc gia, đây là “một thắng lợi quan trọng nhằm chấm dứt nạn phân biệt tôn giáo”. Theo tổ chức phi chính phủ The Edge Foundation, “đây là một bước hướng tới sự thống nhất vì sự thay đổi về thuật ngữ thể hiện cam kết thay đổi não trạng, tôn trọng nền văn hóa và tín ngưỡng phong phú của Pakistan”. (Oss. Rom 16/11/2023)