Hội nghị chuyên đề Phật giáo và Kitô giáo: “lòng từ bi” và “tình yêu nhưng không"
Hồng Thủy - Vatican News
Hội nghị có chủ đề “Karuṇā và Agape đối thoại để chữa lành một nhân loại và một vùng đất bị thương tích”, được tổ chức tại đại học Maha Chulalongkorn Rajavidyalaya ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, từ ngày 13-16/11/2023.
Hội nghị nhắm khám phá những đặc điểm và mối quan hệ sâu sắc giữa Karuna và Agàpe, suy tư về các khái niệm “từ bi” của Phật giáo và “tình yêu vô vị lợi” của Kitô giáo, và tìm kiếm điểm chung giữa Kitô giáo và Phật giáo.
ĐHY Ayuso Guixot: Tình yêu và sự hiểu biết vượt qua các ranh giới tôn giáo và văn hóa
Đức Hồng y Ayuso Guixot, Tổng trưởng Bộ Đối thoại Liên tôn của Tòa Thánh, nói rằng “Cùng nhau, với tư cách là Kitô hữu và Phật tử, chúng ta có thể là chất xúc tác cho sự thay đổi, thể hiện rằng tình yêu và sự hiểu biết vượt qua các ranh giới tôn giáo và văn hóa”.
Đức Hồng y đã so sánh những lời dạy của Đức Phật và Chúa Kitô và kêu gọi các tham dự viên cùng nhau làm việc để giảm bớt những đau khổ của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và của môi trường. Ngài nói: “Lòng từ bi, như Đức Phật đã dạy, thôi thúc chúng ta đến với những người đang đau khổ để đưa ra một bàn tay hỗ trợ, thấu hiểu và xoa dịu nỗi đau ở bất cứ nơi nào chúng ta gặp thấy”. “Tình yêu được Chúa Kitô thể hiện thúc đẩy chúng ta yêu thương những người lân cận, quan tâm đến những người nhỏ bé nhất trong số chúng ta và hành động vị tha vì hạnh phúc của tất cả mọi người”. (Ucanews 15/11/2023)
Hòa thượng Phra Brahmapundit: Từ, bi, hỷ và xả có thể giúp chúng ta sống trong hòa bình và hợp tác hoàn toàn
Trong khi đó, trong bài phát biểu của mình, Hòa thượng Phra Brahmapundit, nhà lãnh đạo Phật giáo, thành viên Hội đồng Tăng già Tối cao Thái Lan, nhấn mạnh rằng Tứ vô lượng tâm - từ, bi, hỷ và xả - có thể giúp “những người bình thường sống với nhau trong hòa bình và hợp tác hoàn toàn”. Ngài nhận xét rằng, bởi vì nhân loại và Trái đất có mối liên hệ với nhau, “cả hai đều đau khổ, bị thương bởi sự tàn phá, bởi khí hậu, bởi nghèo đói, bởi chiến tranh”.
Lòng từ bi + lòng từ ái: tình yêu nhưng không của Kitô giáo
Trong bối cảnh này, Hòa thượng lưu ý, “Karuna rất cần thiết để giảm bớt nỗi đau khổ của trái đất”. Nơi nào có đau khổ của người khác, “Karuna lay động lòng người để xoa dịu nỗi đau khổ của những chúng sinh đang gặp khó khăn, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Karuna không thể tách rời khỏi Metta, được dịch là ‘lòng từ ái’, là tình yêu thương vô điều kiện”.
Hòa thượng giải thích, nếu Metta, tình yêu thương, có đặc tính là thúc đẩy điều tốt đẹp cho chúng sinh khác thì Karuna, lòng từ bi, có đặc tính là loại bỏ đau khổ của chúng sinh khác.
Qua so sánh, Metta và Karuna cùng nhau tạo thành một cặp đức tính dường như bao hàm khái niệm Agàpe (tình yêu) của Kitô giáo, ám chỉ tình yêu vô điều kiện, hiệp nhất và chữa lành. (Fides 15/11/2023)