Phỏng vấn cha Paolo Benanti, thành viên Uỷ ban LHQ về Trí tuệ nhân tạo

Blog Single
Trong cuộc phỏng vấn của Vatican News, cha Paolo Benanti, thần học gia, triết gia dòng Phanxicô, thành viên Uỷ ban Liên Hiệp Quốc về Trí tuệ nhân tạo nói về khả năng phát triển của “các máy móc thông minh”, và cho rằng Giáo hội có thể đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy nhân bản hoá các công nghệ mới để phục vụ công ích.

Vatican News

Ngày nay, trong những cuộc thảo luận người ta hay nói “Trí tuệ nhân tạo sẽ xử lý việc đó”. Thưa cha, có phải chúng ta đang đứng trước một thực tế mà một số người cho rằng sẽ có tác động đến phần lớn nhân loại so với Cách mạng công nghiệp không?

Thực tế có một sự lạm phát nào đó đối với thuật ngữ “cách mạng”. Chúng ta thích nghĩ rằng có nhiều thứ mang tính cách mạng, theo nghĩa là chúng thay đổi mọi thứ. Từ quan điểm này, tôi có thể nói rằng thay vì có một cuộc cách mạng thực sự phía trước, chúng ta có một sự phát triển của Cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp được mô tả như một hệ thống thay thế một số nhiệm vụ do con người thực hiện bằng máy móc. Sự khởi đầu của Cách mạng công nghiệp đã thay thế sức mạnh cơ bắp. Ngày nay chúng ta muốn thay đổi một chút khả năng nhận thức của con người. Máy móc làm tốt việc tuân theo tất cả những điều này, nhưng máy móc vẫn chỉ là sự bắt chước và không có ý thức, ý chí riêng. Vì thế cách mạng là một thuật ngữ quá mạnh. Tuy nhiên, điều cần làm rõ ngay là những tác động của Trí tuệ nhân tạo đối với xã hội có thể mang tính “cách mạng”. Nếu Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên tác động đến những người lao động chân tay, khiến họ ít cần thiết hơn trong quá trình sản xuất, thì Trí tuệ nhân tạo có thể và sẽ có tác động rất lớn đến những người có học vấn cao, tức là đối với những công việc hình thành nên tầng lớp trung lưu và nếu chúng ta không quản lý nó theo các tiêu chí công bằng xã hội, thì những tác động có thể thực sự tàn khốc hoặc ít nhất là rất mạnh đến khả năng gắn kết của các quốc gia dân chủ.

Cách đây vài năm, khoa học gia vĩ đại Stephen Hawking đã tuyên bố rằng sự thành công của Trí tuệ nhân tạo có thể là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, nhưng nếu chúng ta không tránh được những rủi ro thì nó cũng có thể đặt dấu chấm hết cho chính nhân loại. Đâu là những bước đi đúng để phát triển mà không gây hậu quả tai hại?

Để trả lời câu hỏi này cần một suy tư về Học thuyết Xã hội của Giáo hội để phân biệt rõ giữa đổi mới và phát triển. Đổi mới hoặc tiến bộ công nghệ là khả năng thực hiện điều gì đó theo cách ngày càng hiệu quả và mạnh mẽ hơn. Chúng ta hãy nghĩ, thật không may, về một lĩnh vực tiêu cực diễn ra hàng ngày, đó là chiến tranh. Súng, súng máy, bom, bom nguyên tử là một số điểm của sự đổi mới trong chiến tranh. Tuy nhiên, chẳng ai nghĩ bom nguyên tử hay súng là tốt hơn. Trái lại, phát triển là đổi mới công nghệ và biến nó thành một thứ hướng tới lợi ích xã hội, công ích.

Tất cả những đổi mới công nghệ đều mang theo những câu hỏi về đạo đức. Với trí tuệ nhân tạo, những câu hỏi này có vẻ phức tạp hơn nhiều so với trước đây. Tại sao?

Những máy móc này có khả năng thích ứng với bối cảnh để theo đuổi mục tiêu. Nhưng như mọi khi, mục đích không biện minh cho phương tiện! Ở một mức độ nào đó, máy móc có thể xác định phương tiện nào là phù hợp nhất để theo đuổi mục đích. Về bản chất là một cái máy nó cần những “rào chắn đạo đức” rộng lớn, bởi vì mục đích không biện minh cho phương tiện.

Trí tuệ nhân tạo có thể tự đặt ra các câu hỏi đạo đức một cách tự động và tìm ra câu trả lời, hay chiều kích đạo đức này sẽ luôn là đặc quyền của con người?

Mặc dù một số bộ phim khoa học viễn tưởng có thể khiến chúng ta suy nghĩ, nhưng ý thức không phải là điều gì đó thuộc về máy móc. Vì vậy không có tính chủ quan nào chất vấn chính nó hay chất vấn thế giới. Trí tuệ nhân tạo là một cái máy thực hiện các nhiệm vụ, nhận mục đích từ con người, như con robot nhỏ có thể lau chùi nhà cửa, vì thế tôi bảo nó: “làm sạch nhà”, nó điều chỉnh phương tiện bằng cách sử dụng máy hút bụi, nó gặp một vật cản, ví dụ cầu thang, nó quay trở lại, tất cả những thứ liên quan đến mục đích đó. Vì vậy phần “tay cầm mới” của trí tuệ nhân tạo, tức là việc lựa chọn mục đích phù hợp, phải và chỉ có thể nằm trong tay con người. Điều này không có nghĩa là trao mục đích cho cái máy mà không suy nghĩ nhiều, không tự đặt những câu hỏi phù hợp, có thể dẫn đến những kết quả thảm hại, ngay cả khi không có sự hiện diện của một máy có ý thức.

ChatGpt, công cụ trí tuệ nhân tạo “phổ biến” hiện nay. Đối với một số người, nó chỉ là một thứ đồ chơi, nhưng đối với những người khác nó cho con người ý tưởng về những thay đổi cuộc sống. Cha đánh giá như thế nào về điều này?

Thành công mà ChatGpt có được thật ấn tượng. Đó là ứng dụng được tải nhiều nhất từ trước đến nay. Nếu một mặt điều này cho chúng ta biết trí tuệ nhân tạo mê hoặc chúng ta đến mức nào thì mặt khác nó cũng mở ra cho chúng ta nguy cơ hiểu sai, bởi ChatGpt sinh ra không phải là một sản phẩm công nghiệp nhằm mục đích sử dụng cho một việc gì đó nhưng là một loại về bản demo tuyệt vời mà công ty OpenAI đã mở ra cho công chúng để thể hiện sức mạnh của những gì đang phát triển. ChatGpt chỉ đơn giản là sự mở rộng của các sản phẩm khác có tên Gpt, là những mô hình ngôn ngữ lớn, là những cái máy làm việc với số lượng văn bản khổng lồ - được cắt nhỏ một cách thích hợp thành các phần nhỏ được gọi là “tham số” - và từ đó, ở một mức độ nào đó, nó đã xác định được về mặt thống kê mức độ ăn khớp giữa các từ với nhau. Như thế ChatGpt là một hệ thống trong đó một câu đầu vào sẽ tạo ra một văn bản đầu ra. Nhưng văn bản này được hoàn thiện với sự tác động của nhiều người, bắt đầu phản hồi với máy này và “nói” cho máy biết đâu là câu trả lời tốt nhất và tệ nhất trong số những câu trả lời mà nó cung cấp. Thật không may, hầu hết mọi người, khi ChatGpt đến, đã không hiểu nó theo cách này.

Vậy việc hiểu sai về công cụ ChatGpt có thể tạo ra vấn đề gì?

Điều này dẫn đến những sai sót lớn, vì máy được chế tạo theo cách mà văn bản phải xuất phát từ câu hỏi đầu vào của tôi, nhưng văn bản đó không được kiểm tra. Nếu ChatGpt tạo ra văn bản hay, điều đó không có nghĩa là nó tạo ra nội dung có thật. Đây là tất cả những tiềm năng và rủi ro của máy. Tiềm năng cuối cùng là có một công cụ xử lý ngôn ngữ một cách rất mạnh mẽ. Giới hạn là chúng ta không hiểu rằng đó là một loại bản demo tuyệt vời và nó không phải là một công cụ tối ưu và chúng ta dựa vào máy móc cho những điều không có giá trị. Đừng bao giờ hỏi cái máy này về cách chữa bệnh!

Trong nhiều năm, người ta nói về khoảng cách kỹ thuật số ngăn cách các quốc gia có công nghệ tiên tiến nhất với các quốc gia đang phát triển. Với trí tuệ nhân tạo, có phải khoảng cách này có nguy cơ ngày càng gia tăng, khiến những dân tộc vốn đang cố gắng để khẳng định mình trong một thế giới và nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa càng bị lùi về phía sau không?

Hoàn toàn đúng như vậy. Trí tuệ nhân tạo có thể hoạt động ở cấp số nhân. Nơi nào có của cải và cơ cấu có nhiều tài nguyên, có thể nhân rộng. Những hệ thống này - mang tính toàn cầu - là đặc quyền và tài sản của rất ít công ty toàn cầu. Hiện tại, chín công ty toàn cầu đang thực hiện những đổi mới lớn về trí tuệ nhân tạo, tất cả đều có vốn hóa hơn một ngàn tỷ đô la. Tóm lại, nó không phải là một sản phẩm phổ biến, nó không phải là thứ mà ai cũng có thể tiếp cận được. Có nguy cơ ngày càng tăng về một hình thức phụ thuộc vào rất ít nhà độc quyền. Một yếu tố khác cần đưa vào bảng quyết toán này là “chi phí ẩn” của các công nghệ được tạo ra trên máy tính dựa trên đất hiếm và các vật liệu khác phải trả giá về môi trường rất cao và tiêu thụ nhiều điện. Vì vậy, nếu chúng ta tự chất vấn với sự ngạc nhiên về ý nghĩa kỳ diệu của những loại máy này, chúng ta cũng không được quên rằng chúng ta có được một phần ít hơn nhưng đắt hơn nhiều về mặt bình đẳng, cái giá về môi trường và năng lượng, điều này phải được cân nhắc để không trở thành cái giá mà các quốc gia nghèo nhất thế giới phải trả.

Các chính phủ đang trang bị cho mình những quy định về trí tuệ nhân tạo, trong khi Liên Hiệp Quốc cũng đang giải quyết vấn đề này. Cha được Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm vào ủy ban gồm 39 chuyên gia về trí tuệ nhân tạo. Nhiệm vụ của cơ quan này là gì?

Đây là một ủy ban hỗ trợ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Những gì chúng tôi được yêu cầu trước hết là thông tin những gì đang xảy ra với hình thức đổi mới này và thực hiện nó một cách rất cân bằng. Trước tiên, chúng tôi được yêu cầu báo cáo những lợi ích to lớn mà những công nghệ này có thể mang lại cho nhân loại. Như sự gia tăng khả năng chăm sóc, về những cơ hội có thể tạo ra những hình thức giàu có mới. Nhưng chúng tôi cũng được yêu cầu đánh giá rủi ro, không chỉ vì sự bất bình đẳng có thể gia tăng, mà bởi vì đặc biệt là trong các dạng trí tuệ nhân tạo mới nhất, chẳng hạn như loại chúng ta vừa đề cập - ChatGpt - chúng tôi có một loại máy có khả năng “thuật lại”, có khả năng kể chuyện, các câu chuyện có thể giúp định hình dư luận. Do đó, máy này có thể được sử dụng cho những mục đích không hẳn là tích cực, như gia tăng sự thù hận trong xã hội hoặc tạo ra những kẻ thù không hề tồn tại. Một loại máy có thể ảnh hưởng đến dư luận rất nhiều rõ ràng là một cỗ máy cần được xem xét rất cẩn thận, đặc biệt là đối với những cơ quan mong muốn cộng tác hướng tới hòa bình toàn cầu hoặc phát triển công bằng. Nhiệm vụ của ủy ban Liên Hiệp Quốc cũng là đưa ra một khuôn khổ khả thi để chúng ta có thể tìm kiếm các thỏa thuận quốc tế dựa trên nền tảng giá trị có thể giúp công cụ này trở thành một hình thức phát triển chứ không chỉ đơn giản là một hình thức lợi nhuận cho một số ít.

Giáo hội không né tránh cuộc tranh luận về trí tuệ nhân tạo. Tòa Thánh cũng đang làm việc về ranh giới này trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các sứ điệp tiếp theo của Đức Thánh Cha cho Ngày Hòa bình Thế giới và Ngày Truyền thông Xã hội có thể sẽ lấy trí tuệ nhân tạo làm chủ đề. Vậy đóng góp quan trọng nhất mà Giáo hội có thể đưa ra là gì?

Giáo hội tự hiểu mình là “chuyên gia về nhân loại”. Đó là một tổ chức có mặt ở khắp mọi nơi, thu thập và cống hiến những gì cuộc sống con người ngày nay trong tất cả những khát vọng lớn lao, những giấc mơ, cũng như trong sự mong manh và sợ hãi của con người, vốn là mảnh đất màu mỡ đầu tiên mà trên đó Giáo hội đưa ra suy tư cho toàn thế giới. Kể từ năm 2020, chủ đề này đã hiện diện và đã ảnh hưởng đến các suy tư theo nhiều cách ngay cả trong Tòa Thánh. Rõ ràng là, giống như tất cả các chủ đề lớn, trong cuộc gặp gỡ sự phong phú của nhân loại cũng cần trưởng thành đến từ bên dưới, từ sự hiện diện mục vụ và từ khả năng suy tư liên kết với Tin Mừng và suy tư thần học. Sự chú ý lớn này xuất hiện vào thời điểm Đức Thánh Cha muốn dành tầm quan trọng lớn cho một số chủ đề toàn cầu, chẳng hạn như việc chăm sóc ngôi nhà chung và tình huynh đệ. Việc chăm sóc ngôi nhà chung và tình huynh đệ có thể là hai trong số những quan điểm tuyệt vời mà Giáo hội mang đến sự đóng góp độc đáo và tích cực cho cuộc tranh luận này. Chúng ta không chỉ cần đóng góp về mặt chính trị và công nghiệp, mà còn đóng góp về mặt nhân loại. Sự đóng góp này về mặt nhân loại, một nhân loại đang sống trong một môi trường, trong một ngôi nhà là hành tinh của chúng ta, và sống như anh chị em, là một đóng góp cho việc “nhân bản hóa” trí tuệ nhân tạo, nghĩa là cho sự biến đổi của tiến bộ trong sự phát triển con người đích thực, điều rất cần thiết ngày nay.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2023-12/phong-van-cha-paolo-benanti-uy-ban-lhq-tri-tue-nhan-tao.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: