Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Triều Roma dịp Giáng sinh 2023
Vatican News
Trước hết, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, niên trưởng hồng y đoàn, đại diện chúc mừng Giáng Sinh và Năm mới đến Đức Thánh Cha. Sau đó, Đức Thánh Cha đã có một diễn văn đáp lời. Ngài nói:
Diễn văn của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trước hết, tôi cảm ơn Đức Hồng Y Re về những lời chúc mừng; và về năng lượng của ngài: ở tuổi 90 với năng lượng như thế! Xin hãy tiếp tục. Xin cảm ơn.
Mầu nhiệm Giáng Sinh làm tâm hồn chúng ta ngạc nhiên – từ khoá – trước sự kỳ diệu của một lời loan báo bất ngờ: Chúa đến, Thiên Chúa ở đây giữa chúng ta, và ánh sáng của Người đã mãi mãi xuyên qua bóng tối của thế gian. Chúng ta cần phải luôn luôn lắng nghe và đón nhận lời loan báo này, đặc biệt trong một thời điểm vẫn còn bị đánh dấu bi thảm bởi bạo lực chiến tranh, bởi những nguy cơ mang tính thời đại do biến đổi khí hậu, và bởi nghèo đói, đau khổ, đói khát và các vết thương khác đang hiện diện trong lịch sử chúng ta. Là điều an ủi khi khám phá ra rằng ngay cả trong những hoàn cảnh đau đớn này cũng như trong tất cả các không gian của nhân loại yếu đuối của chúng ta, Thiên Chúa hiện diện trong chiếc nôi này, máng cỏ mà ngày nay Người chọn để sinh ra và mang tình yêu Chúa Cha đến cho tất cả mọi người; và Người làm như vậy với cách của Thiên Chúa: gần gũi, cảm thông, dịu dàng.
Anh chị em thân mến, chúng ta cần lắng nghe lời loan báo của Thiên Chúa, Đấng đến với chúng ta; chúng ta cần phân định dấu hiệu về sự hiện diện của Người và đón nhận Lời bằng cách bước đi theo Người. Lắng nghe, phân định, bước đi: ba động từ có thể mô tả hành trình đức tin của chúng ta và cho sự phục vụ mà chúng ta cống hiến ở đây trong Giáo triều. Tôi muốn chia sẻ những lời này với anh chị em qua một số nhân vật chính của Giáng sinh Thánh.
Trước hết, Mẹ Maria, người nhắc nhở chúng ta lắng nghe. Thiếu nữ Nazareth đang bồng ẵm trên tay Đấng đến ôm cả thế giới, là Đức Trinh Nữ của sự lắng nghe bởi vì Mẹ đã chăm chú lắng nghe lời loan báo của Thiên Thần và mở lòng mình ra cho kế hoạch của Thiên Chúa. Mẹ nhắc nhở chúng ta điều răn lớn đầu tiên “Nghe đây, hỡi Israel” (Đnl 6, 4), bởi vì trước bất kỳ giới luật nào, điều quan trọng là bước vào mối tương quan với Thiên Chúa, đón nhận hồng ân tình yêu của Người đến gặp gỡ chúng ta. Thực tế, trong Kinh Thánh, lắng nghe đề cập đến việc nghe không chỉ bằng tai, nhưng còn bằng con tim và cả cuộc sống. Thánh Biển Đức bắt đầu Quy luật của ngài: “Này con, hãy chăm chú lắng nghe...” (Regola, Prologo, 1). Lắng nghe bằng con tim đòi hỏi nhiều hơn nghe một tin nhắn hoặc trao đổi thông tin; đó là một sự lắng nghe nội tâm có khả năng cảm nhận những ước muốn và nhu cầu của người khác, một mối quan hệ thúc giục chúng ta vượt qua các khuôn mẫu và những định kiến trong đó đôi khi dẫn chúng ta đến chỗ đóng khung những người xung quanh. Lắng nghe luôn là khởi đầu của một cuộc hành trình. Chúa yêu cầu dân Người lắng nghe bằng tâm hồn, để bước vào mối quan hệ với Người, Thiên Chúa hằng sống.
Và đây là cách Đức Trinh Nữ Maria lắng nghe. Mẹ đón nhận lời loan báo của Thiên Thần với sự cởi mở hoàn toàn, và do đó không che giấu sự thắc mắc và bối rối trong lòng; nhưng Mẹ sẵn sàng tham gia vào tương quan với Thiên Chúa, Đấng đã chọn Mẹ, đón nhận kế hoạch của Người. Có đối thoại và có vâng lời. Đức Maria nhận ra rằng mình đã lãnh nhận một hồng ân vô giá và “quỳ xuống”, nghĩa là, với sự khiêm nhường và kinh ngạc, Mẹ tiếp tục lắng nghe. Lắng nghe “quỳ gối” là cách tốt nhất để thực sự lắng nghe, bởi vì điều đó có nghĩa là chúng ta không tự phụ nghĩ rằng chúng ta đã biết mọi thứ, hoặc đã hiểu những gì người khác sắp nói với chúng ta, nhưng trái lại, chúng ta mở lòng ra cho mầu nhiệm của người khác, sẵn sàng đón nhận với sự khiêm tốn những gì họ muốn trao cho chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng chỉ có một trường hợp được từ trên cao nhìn xuống một người, đó là để giúp đỡ họ đứng lên. Đó là trường hợp duy nhất hợp lệ nhìn xuống từ trên cao.
Đôi khi, ngay cả khi nói chuyện với nhau, chúng ta có nguy cơ giống như những con sói đói: chúng ta có thể ngay lập tức ngấu nghiến lời nói của người khác, không thực sự lắng nghe họ, và sau đó nhào nặn chúng để phù hợp với ý tưởng và đánh giá của chúng ta. Trái lại, để thực sự lắng nghe người khác, cần có sự thinh lặng bên trong, nhưng cũng cần một không gian thinh lặng giữa những gì chúng ta nghe và những gì chúng ta nói. Không phải là bóng bàn đánh qua đánh lại. Đầu tiên chúng ta lắng nghe, sau đó trong thinh lặng, chúng ta tiếp thu điều đã nghe, suy tư, diễn giải nó, vì chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đưa ra phản hồi. Cầu nguyện dạy chúng ta cách thực hiện điều này, bởi vì cầu nguyện mở rộng tâm hồn, lật đổ tính ích kỷ của chúng ta, chỉ cho chúng ta cách lắng nghe người khác và tạo trong chúng ta sự thinh lặng chiêm niệm. Chúng ta hãy học chiêm niệm trong cầu nguyện, quỳ gối trước Chúa, không chỉ trên đôi chân, nhưng bằng đầu gối với trái tim của chúng ta! Ngay cả trong công việc của chúng ta ở Giáo triều, “cần nài xin ơn Chúa hằng ngày, xin Người mở những trái tim lạnh giá của chúng ta và khuấy động đời sống thờ ơ và hời hợt của chúng ta. [...] Điều cấp bách là phải phục hồi một tinh thần chiêm niệm để có thể giúp chúng ta không ngừng nhận ra rằng mình được thừa hưởng một kho tàng làm chúng ta sống tốt hơn và giúp chúng ta sống một đời sống mới. Đó là điều không có gì quý hơn mà chúng ta có thể trao ban cho người khác” (Evangelii Gaudium, 264).
Anh chị em thân mến, ngay cả trong Giáo triều cũng vậy, chúng ta cần phải học nghệ thuật lắng nghe. Trước các bổn phận và hoạt động hàng ngày của chúng ta, đặc biệt trước các vai trò mà chúng ta phải gánh vác, chúng ta cần tái khám phá giá trị của các mối quan hệ, và cố gắng cởi bỏ chủ nghĩa hình thức, để làm cho chúng sinh động với tinh thần Tin Mừng, trên hết bằng cách lắng nghe nhau. Với trái tim và đầu gối. Chúng ta hãy lắng nghe nhau nhiều hơn, không thành kiến, nhưng cởi mở và chân thành. Chúng ta hãy lắng nghe nhau, cố gắng hiểu rõ những gì anh chị em chúng ta đang nói, để nắm bắt những nhu cầu của họ và cuộc sống của chính họ cách nào đó, ẩn giấu đằng sau những lời nói, không phán xét. Như Thánh I-nhã đã khôn ngoan khuyên: “Phải tiền giả định rằng mọi tín hữu tốt phải mau mắn cứu vãn ý kiến của người khác hơn là lên án nó. Nếu không cứu vãn được, phải hỏi xem người ta hiểu ý kiến ấy thế nào; và nếu họ hiểu sai thì phải sửa chữa với tình thương yêu; nếu làm thế không đủ, phải tìm mọi phương thế thích hợp để bào chữa cho đến khi họ hiểu đúng và khỏi sai lầm” (Linh thao, 22). Làm tất cả để hiểu tốt về người khác. Và tôi nhắc lại: lắng nghe khác với nghe. Đi bộ trên các đường phố, chúng ta có thể nghe thấy nhiều tiếng nói và nhiều tiếng ồn, nhưng chúng ta thường không lắng nghe chúng, chúng ta không nội tâm hóa chúng và chúng không ở lại trong chúng ta. Nghe đơn giản là một chuyện, lắng nghe lại là một chuyện khác, nó cũng có nghĩa là “chào đón bên trong”.
Lắng nghe nhau giúp chúng ta sống phân định như một phương pháp hành động của chúng ta. Và ở đây chúng ta có thể nghĩ đến Thánh Gioan Tẩy Giả. Trước tiên là Đức Mẹ, người biết lắng nghe, và bây giờ là thánh Gioan, người biết phân định. Chúng ta biết sự vĩ đại của vị ngôn sứ này, sự khổ hạnh và mạnh mẽ trong lời rao giảng của ngài. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu đến và bắt đầu sứ vụ, Thánh Gioan trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin sâu sắc; ông đã loan báo Chúa đến như một Thiên Chúa quyền năng, Đấng cuối cùng sẽ phán xét tội nhân bằng cách quăng vào lửa cây nào không sinh quả tốt và đốt thóc lép bằng lửa không hề tắt (Mt 3,10-12). Nhưng hình ảnh này của Đấng Mêsia bị phá vỡ bởi những cử chỉ, lời nói và phong cách của Chúa Giêsu, bởi lòng trắc ẩn và lòng thương xót mà Người tỏ ra cho tất cả mọi người. Sau đó, Gioan Tẩy Giả cảm thấy rằng mình cần phải phân định để nhận được đôi mắt mới. Tin Mừng nói với chúng ta: “Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Chúa Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?’ (Mt 11, 2-3). Nói tóm lại, Chúa Giêsu không như Gioan mong đợi, và do đó, vị Tiền Hô cũng phải được hoán cải để theo sự mới mẻ của Nước Trời. Thánh nhân phải có lòng khiêm nhường và can đảm để phân định.
Phân định là quan trọng đối với tất cả chúng ta, nghệ thuật của đời sống thiêng liêng này loại bỏ khỏi chúng ta ảo tưởng rằng mình biết tất cả mọi thứ, khỏi nguy cơ nghĩ rằng chỉ cần áp dụng các quy tắc là đủ, khỏi cám dỗ làm tiếp, ngay cả trong đời sống của Giáo triều, chỉ đơn giản bằng cách lặp lại các khuôn mẫu; không nhận ra rằng Mầu nhiệm Thiên Chúa luôn vượt trên chúng ta và cuộc sống của mọi người và thực tại xung quanh chúng ta đang và luôn luôn vượt trội hơn các ý tưởng và lý thuyết. Cuộc sống thì luôn vượt trội hơn ý tưởng. Do đó chúng ta cần thực hành sự phân định thiêng liêng, tìm kiếm ý Chúa, chất vấn về những chuyển động bên trong tâm hồn, và sau đó đánh giá các quyết định và khả năng mà chúng ta cần thực hiện. Đức Hồng Y Martini viết: “Phân định hoàn toàn khác với sự chính xác tỉ mỉ của những người sống theo luật hoặc kỳ vọng hoàn hảo. Đó là sự thúc đẩy của tình yêu giúp phân biệt giữa điều tốt và điều tốt hơn, giữa những gì tự nó hữu ích và những gì hữu ích ở đây và ngay lúc này, giữa những gì có thể tốt nói chung và những gì cần được thúc đẩy ngay bây giờ”. Và ngài nói thêm: “Việc thiếu cố gắng phân định điều tốt hơn thường làm cho đời sống mục vụ trở nên đơn điệu, lặp đi lặp lại: các hành động tôn giáo nhân lên, lặp lại các cử chỉ truyền thống mà không thấy rõ ý nghĩa của chúng” (Il Vangelo di Maria, Milan 2008, 21). Phân định phải giúp chúng ta, cũng như trong công việc của Giáo triều, ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần, để có thể chọn hướng dẫn và đưa ra quyết định không dựa trên các tiêu chuẩn thế gian, hoặc đơn giản bằng cách áp dụng các quy tắc, nhưng theo Tin Mừng.
Lắng nghe: Đức Maria. Phân định: Gioan Tẩy giả. Và bây giờ, từ thứ ba: bước đi. Và ở đây chúng ta hướng suy nghĩ của mình về các nhà đạo sĩ. Các vị đạo sĩ nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bước đi. Niềm vui Tin Mừng, khi chúng ta thực sự đón nhận, sẽ dẫn chúng ta đến việc làm môn đệ, bỏ lại phía sau và lên đường hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa và hướng tới cuộc sống tràn đầy. Cuộc xuất hành khỏi chính chúng ta: một thái độ của đời sống thiêng liêng mà chúng ta luôn phải xét mình. Chúng ta hãy nhớ rằng đức tin Kitô giáo không có nghĩa là để xác nhận cảm giác an toàn của chúng ta, để chúng ta ổn định trong những xác tín tôn giáo thoải mái, và đưa ra cho chúng ta câu trả lời nhanh chóng cho những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Trái lại, khi Thiên Chúa kêu gọi, Người luôn sai chúng ta thực hiện một hành trình, như trường hợp của Abraham, Môsê, các ngôn sứ và tất cả các môn đệ Chúa. Người sai chúng ta vào một hành trình, kéo chúng ta ra khỏi vùng an toàn, sự tự mãn về những gì chúng ta đã làm, và bằng cách này, Người giải thoát, biến đổi chúng ta và soi sáng đôi mắt tâm hồn của chúng ta để chúng ta hiểu được niềm hy vọng mà Người đã kêu gọi chúng ta (Ep 1,18). Như Michel de Certeau khẳng định: “Nhà thần bí là người không thể dừng cuộc hành trình. [...] Ước muốn tạo ra một điều vượt hơn. Ước muốn vượt xa hơn, đến một nơi khác” (Fabula Mistica. XVI-XVII secolo, Milano 2008, 353).
Ngay cả trong việc phục vụ ở đây trong Giáo triều, điều quan trọng là phải tiếp tục hành trình, không ngừng tìm kiếm và đào sâu sự thật, vượt qua cám dỗ đứng yên và “mê cung” trong hàng rào và nỗi lo sợ của chúng ta. Lo sợ, cứng nhắc, đơn điệu có lợi thế rõ ràng là không tạo ra vấn đề - đứng yên không di chuyển – nhưng dẫn chúng ta đi lang thang không mục đích trong mê cung của chúng ta, làm tổn hại cho sự phục vụ mà chúng ta được kêu gọi cống hiến cho Giáo hội và cho toàn thế giới. Và chúng ta hãy cảnh giác chống lại những thái độ ý thức hệ cứng nhắc, thường dưới vỏ bọc của những ý định tốt, tách chúng ta ra khỏi thực tế và ngăn cản chúng ta tiến về phía trước. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi lên đường và bước đi, như các nhà đạo sĩ đã làm, đi theo Ánh sáng luôn muốn dẫn chúng ta, đôi khi dọc theo những con đường chưa được khám phá và những con đường mới. Và chúng ta đừng quên rằng cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh - giống như mọi hành trình mà Kinh Thánh nói với chúng ta - luôn bắt đầu “từ trên cao”, vì một lời mời gọi của Chúa, vì một dấu chỉ đến từ trời hoặc vì chính Thiên Chúa hướng dẫn soi sáng những bước đi của con cái Người. Do đó, khi việc phục vụ mà chúng ta thực hiện có nguy cơ trở nên buồn tẻ, của “mê cung” cứng nhắc hoặc tầm thường, khi chúng ta thấy mình bị vướng vào lưới quan liêu và hài lòng, thì chúng ta hãy nhớ ngước nhìn lên, bắt đầu lại từ Thiên Chúa, để cho mình được soi sáng bởi Lời Người, để luôn tìm thấy can đảm để bắt đầu lại. Chúng ta đừng quên là chỉ có thể ra khỏi mê cung “từ trên cao”.
Cần phải có can đảm để bước đi, để đi xa hơn. Đó là vấn đề của tình yêu. Cần có can đảm để yêu. Tôi thích nhắc lại suy tư của một linh mục nhiệt thành về chủ đề này, cũng có thể giúp chúng ta trong công việc tại Giáo triều. Ngài nói không dễ nhen lại ngọn lửa hồng dưới đống tro tàn của Giáo hội. Hôm nay, chúng ta cố gắng khơi dậy niềm say mê cho những người đã mất nó từ lâu. Sáu mươi năm sau Công đồng, chúng ta vẫn còn tranh luận về sự khác biệt giữa những người “cấp tiến” và “bảo thủ”, nhưng điều này không khác biệt. Sự khác biệt trung tâm thật sự là giữa những người “say mê” và những người “theo thói quen”. Đó là sự khác biệt. Chỉ những người say mê yêu mới có thể bước đi.
Cám ơn anh chị em vì công việc và sự cống hiến của anh chị em. Trong công việc này, ước gì chúng ta vun trồng khả năng lắng nghe bằng con tim và phục vụ Chúa bằng cách học cách chào đón và lắng nghe nhau. Chúng ta hãy thực hành phân định, để trở thành một Giáo hội tìm cách giải thích các dấu chỉ lịch sử dưới ánh sáng Tin Mừng, tìm kiếm các giải pháp thông truyền tình yêu của Chúa Cha. Và chúng ta hãy luôn tiếp tục hành trình tiến về phía trước, với sự khiêm nhường và ngạc nhiên, để không rơi vào ảo tưởng nghĩ rằng chúng ta đã đến đích và để lòng khao khát Thiên Chúa không bị dập tắt trong chúng ta. Và trên hết tôi cảm ơn anh chị em rất nhiều, đặc biệt vì công việc được thực hiện trong âm thầm. Chúng ta đừng quên: lắng nghe, phân định, bước đi – Đức Maria, Gioan Tẩy giả và các vị đạo sĩ.
Xin Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, ban cho chúng ta ân sủng của niềm vui trong sự phục vụ khiêm nhường và quảng đại. Và, xin vui lòng, tôi khuyên, đừng đánh mất sự hài hước, nó chính là sức khoẻ .
Tôi xin chúc mừng một Giáng Sinh Thánh đến anh chị em và người thân của anh chị em. Và, trước máng cỏ, xin cầu nguyện cho tôi.