Năm 2024 sẽ là Năm Thánh Thể của Giáo hội Thổ Nhĩ Kỳ
Vatican News
Trong một thư gửi toàn thể dân Chúa, Đức Tổng Giám Mục Martin Kmetec của Izmir, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Thổ Nhĩ Kỳ giải thích mục đích của Năm Thánh Thể: “Qua cử hành Năm Thánh Thể, Giáo hội Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn biết, yêu mến, phục vụ và loan báo Chúa Giêsu nhiều hơn, và nhận ra sự hiện diện của Chúa như các môn đệ Emmaus trong cử chỉ bẻ bánh. Cùng nhau qua giáo lý và các hình thức khác, chúng ta mong muốn đào sâu đức tin của cộng đoàn Giáo hội đối với Bí tích này, tham gia vào cử hành phụng vụ ngày càng tích cực và có ý thức, nhắc nhở chính mình rằng sau khi được ăn Bánh từ Trời chúng ta được mời gọi chia sẻ bánh trần thế với tất cả những người đang gặp khó khăn và thiếu thốn”.
Đức Tổng Giám Mục giải thích lý do chọn năm 2024 là Năm Thánh Thể vì Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 53 sẽ diễn ra tại Quito vào tháng Chín với chủ đề “Tình huynh đệ chữa lành thế giới”. Bằng cách cử hành Năm Thánh Thể, Giáo hội Thổ Nhĩ Kỳ muốn các tín hữu có cơ hội tham vào các cử hành quan trọng trong cuộc đời. Bên cạnh đó năm 2024 sẽ đánh dấu sự kết thúc Thượng hội đồng về hiệp hành, và theo sự quan phòng của Chúa, sẽ dẫn đến việc khai mạc Năm Thánh 2025 với chủ đề “Những người hành hương của hy vọng”. Việc tập trung chú ý vào Thánh Thể, Bí tích hiệp nhất, nguồn hy vọng và lời ngôn sứ cho một thế giới mới sẽ giúp các tín hữu sống những khoảnh khắc rất quan trọng này một cách hiệu quả.
Năm Thánh Thể sẽ được nhấn mạnh bằng những sáng kiến quan trọng, như một cử hành phụng vụ đặc biệt ở Istanbul để thánh hiến Thổ Nhĩ Kỳ cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đức Tổng Giám Mục nói đây sẽ là một thời điểm rất quan trọng và ý nghĩa đối với đời sống Giáo hội ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Thánh Thể, bác ái sẽ nảy sinh. Các tín hữu hướng đến Hạt Đại diện Tông toà Anatolia, bao phủ một nửa Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đó, có ba triệu người phải di dời, nhiều người phải sống trong những cái lều hoặc thùng chứa đồ. Họ là những gia đình bị ảnh hưởng bởi trận động đất hồi tháng 02/2023, đang cố gắng tái xây dựng cuộc sống.
Ngoài ra còn phải trùng tu các nhà thờ bị hư hại do trận động đất. Ở đây, các nhà thờ Công giáo không được nhà nước công nhận về mặt pháp lý, do đó sẽ không nhận được sự hỗ trợ nào cũng như không được phép xây dựng nhà thờ mới. Các cộng đoàn Kitô ở Thổ Nhĩ Kỳ gắn liền với sự hiện diện của các nơi thờ phượng mang tính lịch sử. Các nhà thờ là dấu hiệu hữu hình cho thấy sự hiện diện của Giáo hội, nhưng trên hết là nơi sinh hoạt của cộng đoàn, nơi gặp gỡ, chăm sóc mục vụ, cho tương quan huynh đệ, bác ái; là những điểm tham chiếu quan trọng.