Đức Thánh Cha: bao nhiêu cuộc xung đột bị châm ngòi bởi tin giả

Blog Single
Trong buổi tiếp phái đoàn của Hiệp hội các nhà báo Công giáo Đức nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, Đức Thánh Cha khuyến khích họ chú tâm đến những câu chuyện và khuôn mặt của những người mà không ai chú ý đến, “ngay cả khi làm như vậy có nghĩa là đi ngược lại xu thế”.

Vatican News

Đức Thánh Cha đã trao cho những người hiện diện diễn văn soạn sẵn với các nội dung đối thoại liên tôn, đại kết và bảo vệ hòa bình, tự do và phẩm giá con người. Ngài nhấn mạnh đến vai trò nền tảng của truyền thông trong bố cảnh chiến tranh như hiện nay. “Nhiều cuộc xung đột ngày nay, thay vì bị dập tắt bằng đối thoại, thì lại được bồi thêm bởi những tin giả hoặc những tuyên bố mang tính kích động lan truyền trên các phương tiện truyền thông”. Vì vậy, những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông Công giáo, được bén rễ trong cội nguồn Kitô giáo và đức tin sống hàng ngày, cần giải trừ vũ khí trong những ngôn ngữ sử dụng.

Đức Thánh Cha đưa ra những chỉ dẫn thực tế cho sứ mạng này, đó là: “Thúc đẩy hòa bình và hiểu biết, xây dựng những nhịp cầu, sẵn sàng lắng nghe, thực hiện một nền truyền thông tôn trọng người khác và lý luận của họ”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Có một nhu cầu cấp thiết về điều này trong xã hội, nhưng Giáo hội cũng cần một nền truyền thông lịch sự và đồng thời mang tính ngôn sứ”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng, trong mọi trường hợp “điều quan trọng là đừng có thái độ chỉ quy về mình, nhưng phải ‘đi ra’ để mang thông điệp Kitô giáo vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, bằng cách sử dụng các phương tiện và khả năng sẵn có ngày nay”. Bởi vì, ngài nhắc lại, “một Giáo hội chủ yếu quan tâm đến chính mình thì sẽ trở nên bệnh hoạn với tính tự quy chiếu”. Tuy nhiên, Giáo hội “là truyền giáo” và những nhà truyền thông Công giáo “không thể không dấn thân và có thể nói là giữ thái độ ‘trung lập’ đối với thông điệp mà họ truyền tải”.

Do đó, lời mời gọi của Đức Thánh Cha đối với các nhà truyền thông Đức là chú ý đến những nhóm xã hội yếu kém nhất: “Anh chị em đến từ một đất nước thịnh vượng và phát triển, nhưng nó vẫn có, đôi khi ẩn giấu, không ít những khó khăn. Tôi nghĩ đến hiện tượng trẻ em nghèo, nghĩ đến những gia đình không biết làm sao để thanh toán các hóa đơn và đến tình trạng của nhiều người di cư và tị nạn, những người được nước Đức chào đón với số lượng lớn”. Ở những vùng ngoại vi hiện sinh này, “Thiên Chúa tình yêu đang chờ đợi tin mừng về lòng bác ái của chúng ta: Người chờ đợi những Kitô hữu ra đi và hướng về những người ở bên lề”. Và vì lý do này “cũng cần có những nhà truyền thông làm nổi bật những câu chuyện và khuôn mặt của những người ít được hoặc không ai chú ý đến”.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-01/dtc-bao-nhieu-cuoc-xung-dot-bi-cham-ngoi-boi-tin-gia.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: