Đức Thánh Cha gặp gỡ ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh
Vatican News
Ngoại giao Toà Thánh
Hiện nay, Vatican đang duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với 184 quốc gia, chưa kể với 91 cơ quan đại diện ngoại giao của các tổ chức siêu quốc gia, trong đó có Liên minh Châu Âu, Dòng Chiến sĩ Toàn quyền Malta, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn.
Trong năm 2023 vừa qua, Vatican đã thiết lập mối quan hệ đầy đủ với Vương quốc Ô-man vào ngày 23/2. Đồng thời, các thỏa thuận ở mức độ khác cũng đã được ký kết với Kazakhstan và Việt Nam. Vào ngày 19/7, “Thỏa thuận bổ sung cho Thỏa thuận giữa Tòa thánh và Cộng hòa Kazakhstan về quan hệ song phương ngày 24/9/1998” đã được phê chuẩn, liên quan đến việc cấp thị thực và giấy phép cư trú cho các nhân viên Giáo hội và tu sĩ đến từ nước ngoài. Với Việt Nam, “Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam” đã được ký kết vào ngày 27/7, với việc bổ nhiệm sau đó vào ngày 23/12, vị Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam.
Xung đột và chiến tranh
Trong bài diễn văn trước các nhà ngoại giao, Đức Thánh Cha đề cập đến nhiều “thảm kịch đang xé nát thế giới hiện nay”, bao gồm cuộc chiến ở Ucraina, Thánh Địa, cuộc khủng hoảng ở Nicaragua, căng thẳng ở Caucasus và Châu Phi. Đồng thời Đức Thánh Cha cũng đề cập đến những vấn nạn về dịch vụ mang thai hộ, vấn đề giới tính, chủ nghĩa bài Do Thái và bách hại Kitô giáo, đồng thời ngài kêu gọi một cam kết nghiêm túc đối với hiện tượng di cư và yêu cầu xây dựng hòa bình thông qua đối thoại chính trị - xã hội và giáo dục.
Bài phát biểu hằng năm của Đức Thánh Cha trước ngoại giao đoàn là một trong những bài phát biểu dài nhất và quan trọng nhất trong năm. Ngài nhấn mạnh rằng, năm 2024 vừa mới bắt đầu, chúng ta mong muốn thấy hoà bình, nhưng lại bị bao trùm bởi xung đột và chia rẽ. “Thế giới đang chứng kiến ngày càng nhiều xung đột. Chúng đang dần biến những gì tôi đã nhiều lần định nghĩa là ‘chiến tranh thế giới thứ ba từng phần’ thành một cuộc xung đột toàn cầu thực sự”. Đức Thánh Cha mạnh mẽ lên án: “Dân thường không phải là ‘vật thế chấp’”.
Hậu quả của chiến tranh được nhìn thấy rõ ràng là tình trạng di cư. “Chúng ta không được quên rằng những vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế là tội ác chiến tranh. Việc phát hiện ra chúng thôi thì chưa đủ mà còn cần phải ngăn chặn chúng”. Và “ngay cả khi nói đến việc thực hiện quyền tự vệ” thì “điều cần thiết là phải sử dụng vũ lực một cách tương xứng”. Đức Thánh Cha nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn ở tất cả các nơi chiến tranh và xung đột, mở cửa để người dân nhận được viện trợ nhân đạo, đồng thời các bệnh viện, trường học và nơi thờ phượng có được tất cả sự bảo vệ cần thiết.
Liên quan đến châu Á, Đức Thánh Cha chú ý đến Myanmar và kêu gọi mọi nỗ lực “để mang lại hy vọng cho vùng đất đó và một tương lai xứng đáng cho các thế hệ trẻ”, đồng thời ngài cũng không quên tình trạng khẩn cấp nhân đạo của người Rohingya.
Tại châu Phi, ngài diễn tả sự lo ngại về tình hình căng thẳng ở Mali, Niger, Burkina Faso, Ethiopia, Sudan, Cameroon, Mozambique, Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan.
Giải trừ vũ khí để đầu tư phát triển
Trong khi đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Cần phải theo đuổi chính sách giải trừ quân bị vì thật là viển vông khi nghĩ rằng vũ khí có giá trị răn đe”. Ngài đặt câu hỏi: “Có bao sinh mạng có thể được cứu với nguồn lực hiện được phân bổ cho vũ khí? Sẽ không tốt hơn nếu đầu tư chúng vì an ninh toàn cầu thực sự sao?” Đức Thánh Cha tái khởi động đề xuất về “một quỹ toàn cầu để cuối cùng xóa bỏ nạn đói và thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn hành tinh”.
Hướng đến Châu Mỹ Latinh, Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến tình hình ở Nicaragua. Đó là một cuộc khủng hoảng “tiếp diễn theo thời gian với những hậu quả đau đớn cho toàn thể xã hội Nicaragua, đặc biệt là đối với Giáo hội Công giáo”. Đức Thánh Cha khẳng định: “Tòa Thánh không bao giờ ngừng mời gọi đối thoại ngoại giao tôn trọng vì lợi ích của người Công giáo và toàn thể người dân”.
Hiện tượng di cư
Về hiện tượng di cư, Đức Thánh Cha nhận xét: chiến tranh, nghèo đói, lạm dụng ngôi nhà chung là những nguyên nhân chính buộc hàng ngàn người phải “rời bỏ quê hương đất nước cuả họ để tìm kiếm một tương lai hòa bình và an ninh”. Ngài nhắc lại: “những người liều mạng sống trên biển không xâm lược, họ tìm kiếm sự sống”. Vì vậy, cần quản lý việc di cư trong khi vẫn tôn trọng văn hóa, sự nhạy cảm và an ninh của các quốc gia chịu trách nhiệm tiếp nhận và hội nhập. Mặt khác, cũng cần nhắc lại “quyền được ở lại quê hương”, điều quan trọng là không quốc gia nào “bị bỏ mặc” trước thách thức này.
Mang thai hộ
Trong bài phát biểu với ngoại giao đoàn, Đức Thánh Cha cũng nhắc đến vấn đề mang thai hộ. “Con đường dẫn đến hòa bình đòi hỏi phải tôn trọng sự sống của mỗi con người, bắt đầu từ sự sống của thai nhi trong bụng mẹ, vốn không thể bị áp bức hoặc trở thành đối tượng của thương mại hóa”. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha định nghĩa cái gọi là việc làm mẹ thay thế là “tồi tệ”. Một đứa trẻ luôn là một món quà và không bao giờ là đối tượng của một hợp đồng. Vì vậy, theo Đức Thánh Cha, việc thực hành này nên bị cấm “ở cấp độ phổ quát”. Ngài nhấn mạnh, sự sống con người phải luôn được tôn trọng vì đó là con đường dẫn đến hòa bình.
Bách hại tôn giáo
Về bách hại tôn giáo, Đức Thánh Cha nhận xét: thời của chúng ta là thời của các vị tử đạo, Asia Bibi là một mẫu gương chứng tá Kitô giáo. “Thật đau đớn khi số lượng các quốc gia áp dụng các mô hình kiểm soát tập trung đối với tự do tôn giáo đang gia tăng, với việc sử dụng rộng rãi về công nghệ”. Tệ hơn nữa là ở những nơi khác, các cộng đồng tôn giáo thiểu số đang “có nguy cơ tuyệt chủng”, do “sự kết hợp của các hành động khủng bố, tấn công vào di sản văn hóa và các biện pháp tinh vi hơn như phổ biến luật chống cải đạo, thao túng các quy tắc bầu cử và chính sách tài chính”.
Trí tuệ nhân tạo
Kế đến là về trí tuệ nhân tạo. Đức Thánh Cha nhắc lại: “hãy để trí tuệ nhân tạo là con đường dẫn đến hòa bình, nó không được cổ vũ tin tức giả hay sự điên rồ của chiến tranh. Ngài kêu gọi đặt câu hỏi về giáo dục như là “sự đầu tư chính cho tương lai và thế hệ trẻ” và cùng với đó là “việc sử dụng các công nghệ mới một cách có đạo đức”, vốn có thể dễ dàng trở thành công cụ gây chia rẽ hoặc tin tức giả mạo, nhưng cũng có thể là “phương tiện gặp gỡ” và “trao đổi qua lại”.
Để kết thúc bài phát biểu, Đức Thánh Cha mời gọi hướng đến Năm Thánh sẽ bắt đầu vào Giáng sinh năm 2024. Ngài nhận xét: “Có lẽ hôm nay hơn bao giờ hết chúng ta cần Năm Thánh”. Đối diện với “bóng tối của thế giới này”, Năm Thánh “là lời loan báo rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi dân Người và luôn mở rộng cánh cửa Vương quốc của Người”.