Nhân lời kêu gọi của Đức Thánh Cha chống nạn mang thai mướn
G. Trần Đức Anh, O.P.
Lời Đức Thánh Cha
Thực vậy, Đức Thánh Cha đã nhiều lần đề cập đến tệ nạn này, nhưng đây là lần đầu tiên ngài nói đến trước cử tọa gồm 184 đại sứ các nước và các tổ chức quốc tế.
Trong diễn văn, sau khi nói đến nhu cầu hòa bình là điều cấp thiết trong thế giới hiện nay, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Con đường hòa bình đòi phải tôn trọng sự sống, mỗi sự sống con người, bắt đầu từ các thai nhi trong lòng mẹ không thể bị hủy bỏ, và cũng không thể bị biến thành một món hàng buôn bán. Về vấn đề này, tôi thấy rằng điều đáng trách là việc thực hành nạn gọi là mang thai mướn, nó vi phạm trầm trọng phẩm giá của phụ nữ và đứa con. Nó dựa trên sự khai thác một tình trạng thiếu thốn vật chất của một bà mẹ. Một hài nhi luôn là một món quà và không bao giờ trở thành đối tượng một hợp đồng. Vì thế, tôi cầu mong cộng đồng quốc tế cấm trên bình diện hoàn vũ việc thực hành như thế. Trong mọi lúc của cuộc sống, sự sống con người cần phải được gìn giữ và bảo vệ; tôi rất tiếc mà nhận thấy rằng, đặc biệt tại Tây phương, thứ văn hóa chết chóc này tiếp tục lan tràn, nhân danh lòng thương xót giả tạo, người ta loại bỏ các trẻ em, người già và người bệnh”.
Trước đó, ngày 10/6/2022, trong buổi tiếp kiến Liên hiệp các hiệp gia đình Công Giáo ở Âu Châu, một tổ chức được thành lập năm 1997, với trụ sở ở thành phố Bruxelles của Bỉ và hiện quy tụ 32 hiệp hội gia đình Công Giáo, quốc gia và địa phương tại Âu Châu, Đức Thánh Cha nói đến những thách đố được đề ra cho các gia đình như tình trạng “mùa đông dân số”, nạn dâm ô, tình trạng ngày càng có nhiều gia đình cô đơn và nạn mang thai mướn. Và về nạn mang thai mướn, ngài nói: “Phẩm giá của người nam và người nữ cũng bị đe dọa vì việc ‘cho thuê tử cung’, trong đó phụ nữ, hầu như luôn vì nghèo túng, bị bóc lột, và các trẻ em bị coi như hàng hóa”.
Một ấn tượng mạnh
Cách đây vài năm, Ucraina ít được báo chí quốc tế nói đến, nhưng thỉnh thoảng có những tin tức như: ngày 21/5/2020, có tin: 60 hài nhi kết quả của những vụ mang thai mướn được giữ tại phòng khách của Hotel Venice ở Kiev, thủ đô Ucraina, đang chờ cha mẹ các em từ nước ngoài đến nhận con, vì Ucraina bấy giờ đang ở trong tình trạng phong tỏa, biên giới còn bị đóng vì đại dịch Covid-19, họ chưa đến nhận con được.
Hình ảnh một loạt các hài nhi nằm trong nôi ở khách sạn thật gây ấn tượng mạnh. Trong thông cáo chung về vụ mang thai mướn này, Đức TGM trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo Chủ Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương với khoảng 5 triệu tín hữu và Đức TGM Mieczyslav Mokrzycki, quyền Chủ tịch HĐGM Công Giáo La tinh Ucraina với khoảng 800 ngàn tín hữu, nói rằng: “Thật khó tưởng tượng nổi một sự biểu lộ coi rẻ nhân phẩm và phẩm giá con người như thế; tất cả những điều đó có thể xảy ra là do việc mang thai mướn được luật pháp hợp thức hóa”. (Avvenire 21-5-2020)
Hiện tượng mang thai mướn trên thế giới
Các phụ nữ nhận mang thai mướn thường là những người nghèo, thường phải ký hợp đồng rời bỏ hài nhi mình đã sinh ra, để nhận được tiền thù lao từ 15 đến 17 ngàn mỹ kim như ở Ucraina cách đây vài năm. Campuchia và Ấn độ là hai nước nổi tiếng ở Á châu về mang thai mướn. Các bà mẹ nhận mang thai mướn tại đây thường là những người nghèo nhất và nhiều khi là những người mù chữ. Trong những năm gần đây, một số cơ quan về mang thai mướn cũng đặc biệt chiêu khách là những cặp nam đồng tính luyến ái.
Nhiều nước Âu Châu có luật cấm mang thai mướn như Italia, Pháp, Đức, Đan Mạch, Ai-len, Hungary, Hy Lạp, Hòa Lan, nhưng luật pháp không cấm các công dân của mình nhờ những tổ chức mang thai mướn để có con và những người con ấy vẫn được công nhận tại quốc gia của người thuê mang thai mướn. Tại Anh quốc, luật pháp cho phép mang thai “dùm” nơi các công dân Anh, và việc mang thai này có tính chất “vị tha”, miễn phí.
Hai nước Ucraina và Nga thuộc vào số những nước có luật dễ dãi nhất về vấn đề mang thai mướn. Trước chiến tranh từ tháng 2 năm 2022, Ucraina có lẽ đứng hàng đầu ở Âu Châu với 14 công ty và 50 bệnh xá chuyên môn và được biết đến nhiều nhất trong lãnh vực này ở Ucraina là nhà thương BioTexCom. Trang mạng của tổ chức này cho biết giá mang thai mướn thông thường là 39 ngàn Euro, và có thể lên tới 65 ngàn Euro nếu là “hạng sang”. Để bênh vực các hoạt động này, người ta tìm những kiểu nói “hoa mỹ” như “mang thai liên đới”, hoặc “mang thai vị tha” để tô bóng việc mang thai mướn như một hoạt động vị tha, bác ái, nhân đạo.
Theo Hiệp Hội Luca Coscioni ở Ý, trên thế giới hiện có 65 nước cho phép mang thai mướn, và 35 nước chỉ cho phép “mang thai dùm” người khác vì “tình liên đới”.
Tại Mỹ, theo tờ Fortune, mang thai mướn là điều hợp pháp tại hầu như tất cả các tiểu bang và là một công nghệ đang phát triển mạnh với doanh số hơn 14 tỷ mỹ kim trong năm 2022. Những phụ nữ mang thai mướn thường được trả từ 50 đến 60 ngàn mỹ kim.
Giáo lý Công Giáo
Về phương diện đạo lý, từ lâu Tòa Thánh đã bày tỏ lập trường rõ ràng của Giáo Hội Công Giáo đối với vấn đề mang thai mướn, hoặc mang thai dùm vì liên đới.
Trong Huấn Thị cách đây 34 năm, ngày 22/2/1987 về việc “tôn trọng sự sống đang sinh ra và tôn trọng phẩm giá việc truyền sinh”, Bộ Giáo Lý đức tin, bấy giờ do ĐHY Joseph Ratzinger làm Tổng trưởng, sau này là ĐGH Biển Đức 16, đã mạnh mẽ tuyên bố việc mang thai mướn và mang thai dùm là hoàn toàn trái ngược với luân lý Công Giáo.
Văn kiện khẳng định rằng: “Việc mang thai thay (maternità “sostitutiva”) là điều không phù hợp với luân lý với cùng những lý do khiến chúng ta phải loại bỏ sự thụ thai nhân tạo với yếu tố của người thứ ba, bởi lẽ nó trái ngược với đặc tính một vợ một chồng của hôn nhân và phẩm giá việc truyền sinh của con người. Việc mang thai thay là một thất bại xét một cách khách quan trong việc đáp ứng những nghĩa vụ của tình mẫu tử, của sự trung thành giữa đôi vợ chồng và việc làm cha làm mẹ trong tinh thần trách nhiệm; việc làm ấy làm thương tổn phẩm giá và quyền của đứa con phải được thụ thai, cưu mang trong lòng mẹ, được sinh ra và nuôi dưỡng bởi chính cha mẹ của em; việc mang thai thay gây thiệt hại cho các gia đình, nó tạo ra một sự phân cách giữa các yếu tố thể lý, tâm lý và luân lý tạo nên gia đình”. (Phần II,A,3).
Huấn Thị của Bộ giáo lý đức tin tỏ ra cảm thông với nỗi đau khổ của những cặp vợ chồng son sẻ, nhưng đồng thời cũng khẳng định rằng:
“Nỗi đau khổ của những đôi vợ chồng không thể có con hoặc lo sợ sẽ sinh ra một đứa con tàn tật là đau khổ mà mỗi người phải hiểu và lượng định một cách đúng đắn.
“Về phía các đôi vợ chồng, ước muốn có con là điều tự nhiên: nó biểu lộ ơn gọi làm cha làm mẹ được ghi khắc trong tình yêu vợ chồng. Ước muốn ấy càng mạnh mẽ hơn nếu đôi vợ chồng bị son sẻ dường như không thể chữa trị được.
“Tuy nhiên, hôn nhân không mang lại cho đôi vợ chồng quyền có một đứa con, nhưng chỉ trao cho họ quyền được thi hành những tác động tự nhiên, tự chúng quy hướng về việc sinh sản con cái. Quyền có con, xét một cách thực sự và đúng nghĩa, là điều trái ngược với phẩm giá và bản chất của đứa con. Con cái không phải là một đồ vật, một đối tượng mà người ta có quyền, và cũng không thể bị coi là một vật sở hữu: đúng hơn, con cái là một món quà, một ‘hồng ân cao quý’ và là một món quà nhưng không nhất của hôn nhân, con cái là một chứng tá sống động về sự trao hiến cho nhau của cha mẹ em bé ấy. Vì thế, con cái có quyền được là thành quả tác động yêu thương của cha mẹ chúng, và con cái cũng có quyền được tôn trọng như một nhân vị ngay từ lúc mới thụ thai”.
“Dầu sao đi nữa, bất cứ vì nguyên do hoặc căn bệnh nào, sự son sẻ chắc chắn là một thử thách khó khăn. Cộng đồng tín hữu được mời gọi soi sáng và nâng đỡ đau khổ của những người không thể thỏa mãn khát vọng hợp pháp được làm cha làm mẹ. Những đôi vợ chồng ở trong tình cảnh đau buồn như thế, được mời gọi tìm trong hoàn cảnh ấy một cơ hội để đặc biệt chia sẻ Thập Giá của Chúa, là nguồn mạch hoa trái thiêng liêng. Các đôi vợ chồng son sẻ không nên quên rằng “cả khi việc sinh sản không thể thực hiện được, đời sống vợ chồng không vì thế mà bị mất giá trị. Trong thực tế, sự son sẻ thể lý có thể là cơ hội để đôi vợ chồng thực hiện những công tác phục vụ quan trọng cho đời sống con người, ví dụ như nhận con nuôi, hoặc thi hành những công tác giáo dục khác, và trợ giúp các gia đình khác, giúp người nghèo hoặc các trẻ em khuyết tật”.
“Nhiều nhà nghiên cứu đang dấn thân trong việc chiến đấu chống lại sự son sẻ. Trong khi hoàn toàn bảo vệ phẩm giá việc truyền sinh của con người, một số đã đạt được những thành quả mà trước đây dường như không thể đạt được. Vì thế, các nhà khoa học phải được khích lệ tiếp tục công cuộc nghiên cứu nhắm mục đích ngăn ngừa những nguyên do gây ra son sẻ và có thể chữa trị chúng, để các đôi vợ chồng son sẻ có thể sinh con cái, trong niềm tôn trọng hoàn toàn đối với nhân phẩm của mình cũng như của đứa con sẽ sinh ra” (Cùng văn kiện, số 8).