ĐTC Phanxicô thay đổi các quy định về mua sắm và chi tiêu bất thường của các Bộ của Tòa Thánh
Vatican News
Mục đích của các quyết định này nhằm xác định rõ hơn việc quản lý chi tiêu của các Bộ và cải thiện tính minh bạch trong việc đấu thầu.
Giới hạn chi tiêu
Trong Tông thư thứ nhất, Đức Thánh Cha nêu rõ “các giới hạn và phương thức” của việc điều hành thông thường của các Bộ của Tòa Thánh.
Trong ba điều khoản, phù hợp với cuộc cải cách Giáo triều Roma của Tông hiến Praedicate Evangelium, Đức Thánh Cha quy định rằng một thực thể ở Vatican phải yêu cầu sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Kinh tế khi một hoạt động chi tiêu vượt quá 2% tổng chi phí chính của đơn vị đó, với số liệu được suy ra từ mức trung bình của bảng cân đối kế toán cuối cùng trong ba năm qua.
Tông thư viết: “Trong mọi trường hợp, đối với các hoạt động có giá trị dưới 150.000 EUR thì không cần phải có sự chấp thuận”.
Một phần khác của tài liệu đặt ra giới hạn 30 ngày để nhận được phê duyệt; nếu vượt quá thời hạn đó mà không có phản hồi có nghĩa là yêu cầu được chấp nhận. Trong mọi trường hợp, thủ tục này “phải được hoàn tất trong vòng và không quá bốn mươi ngày”.
Các quy định về đấu thầu
Trong Tông thư thứ hai cũng dưới dạng tự sắc, Đức Thánh Cha can thiệp để làm rõ hơn các quy định quản lý luật đấu thầu của Vatican được ban hành vào năm 2020.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tự sắc nhắm tiếp tục “vấn đề được thực hiện nhằm ủng hộ tính minh bạch, kiểm soát và cạnh tranh trong các thủ tục trao hợp đồng công”, để “áp dụng hiệu quả hơn” các quy tắc, trong đó, với những sửa đổi mới nhất, có tính đến “những quan sát của các tổ chức liên kết với Tòa thánh”, Phủ Thống đốc và kinh nghiệm “tích lũy được trong những năm gần đây”.
Đặc biệt, điều đầu tiên trong đoạn 2 làm rõ, xác định lại mục tiêu của các quy định theo bốn điểm mới, phù hợp với các nguyên tắc của Học thuyết Xã hội của Giáo hội, trật tự giáo luật của Tòa thánh và Quốc gia Thành Vatican và Thông điệp Laudato si'. Bốn điểm liên quan đến “việc sử dụng bền vững nguồn vốn nội bộ”, “tính minh bạch của thủ tục trao thầu”, “đối xử bình đẳng và không phân biệt đối xử với các nhà thầu” và “thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả giữa các nhà thầu, đặc biệt thông qua các biện pháp chống lại các thỏa thuận cạnh tranh bất hợp pháp và tham nhũng”.