Chuyện kể của cha Myron Horbovyj, tuyên uý quân đội Ucraina
Vatican News
Cha Myron đã bắt đầu thừa tác vụ này từ khi còn trong chủng viện. Năm 2005, cha đã có cơ hội thăm viếng các đơn vị quân đội như một phần của hoạt động mục vụ. Lúc đó, tuyên uý vẫn còn là điều mới mẻ, không chỉ đối với chủng sinh trẻ này, nhưng cả với Giáo hội ở Ucraina. Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina sau thời gian hầm trú, mới chỉ hoạt động lại hai thập kỷ, và quân đội vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi thời kỳ hậu Xô Viết. Ngoài ra, các chủng sinh không được dạy hoạt động mục vụ trong quân đội, vì thế những ai đang dấn thân trong lĩnh vực này tự học hỏi qua kinh nghiệm của người khác và của chính mình.
Cha Myron nói rằng đối với cha, điều này là hoàn toàn mới mẻ, và cho biết kinh nghiệm mục vụ mà các tuyên uý có được từ những năm 1990 hoặc 2000 vẫn đang được truyền lại và đưa vào thực hành. Cần thời gian để các cơ cấu quân đội nhận thức được rằng nhiệm vụ của linh mục tuyên uý không chỉ là cử hành các nghi lễ phụng vụ hoặc tham dự các nghi lễ chính thức, nhưng trước hết là ở cùng với những người lính, nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm với họ.
Khi chiến tranh bùng nổ, giống như những người lính đã thúc đẩy các linh mục tuyên uý hành động. Cha Myron nhớ lại ngày đầu tiên mọi người đã được huy động cung cấp cho binh lính những thứ cần thiết, để chuẩn bị ra mặt trận ở phía đông và phía bắc. Cha nói: “Chúng tôi đến tìm họ, nói chuyện và cầu nguyện cũng như chúc lành cho họ trước khi ra chiến trường”. Và vào ngày thứ hai vị tuyên uý đã đến thăm những người lính bị thương trong vụ đánh bom đầu tiên.
Trong thời chiến không chỉ các linh mục chia sẻ chứng tá đức tin mình với những người lính, nhưng đôi khi ngược lại. Cha Myron nói: “Tôi nhớ câu chuyện của một người lính bị thương. Có một đợt ném bom và một tên lửa đã rơi ngày trước mặt người lính này. Binh sĩ trẻ nói: "Thưa cha, không ai tin rằng con có thể sống sót vì tên lửa rơi cách con chỉ khoảng 5 mét. Trong những trường hợp như vậy không ai sống sót”. Người lính trẻ ngã xuống và bị thương đồng thời kêu lên “Lạy Chúa, xin cứu con”. Lúc đó cũng có một người lính khác ở phía sau, không phải tín hữu cũng bị thương. Sau đó, người lính không có đức tin này đã làm chứng rằng, chính anh mặc dù không tin, không kêu tên Chúa, nhưng cũng đã được cứu nhờ lời khẩn nguyện trong lúc nguy hiểm của người tín hữu.
Trong chiến tranh, sự hiện diện của linh mục là một điều rất cần thiết. Theo cha Myron, sự dấn thân này bao gồm việc gần gũi với những người lính. Cha nói: “Khi họ thấy tôi ở giữa họ, họ cảm thấy bình yên hơn, bởi vì đối với những người lính này, linh mục với tư cách là tuyên uý là một đại diện của Chúa. Họ thấy các linh mục đánh giá cao sự phục vụ của họ, đánh giá cao hy sinh của họ, và muốn nâng đỡ họ. Linh mục ở đó vì họ, vì thế họ biết ơn”.
Khi đến thăm các binh sĩ bị thương trong bệnh viện, cha Myron nhận xét rằng trong sứ vụ của ngài điều khó nhất là “thấy đau khổ của nhân loại”. Cha nói điều này đã được Kinh Thánh xác nhận khi mô tả các phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu với những lời “Người thấy và động lòng trắc ẩn”. Giống như vậy, khi chúng ta chứng kiến những người đang đau khổ do bị thương, chúng ta động lòng thương. Nhưng chúng ta không thể làm gì nếu không có sự trắc ẩn này. Bởi vì lòng thương cảm cũng là giao tiếp cảm xúc. Hiểu cảm xúc của người đối diện, đồng cảm với họ rõ ràng cần phải cố gắng, nhưng đó là cách duy nhất chúng ta hiểu những gì họ đang cảm nhận trong lòng. Ơn gọi mục tử không chỉ là cảm thông với người đang đau khổ nhưng còn chỉ cho họ con đường chữa lành và bình an nội tâm.
Cha Myron thú nhận rằng sự nâng đỡ mạnh mẽ nhất của ngài đến từ Chúa, và nếu không có Người, không cầu nguyện, người ta không thể vượt qua thử thách. Vì khi đóng kín mình trong nỗi đau, người ta sẽ mau chóng cặn kiệt sức lực.
Cuộc chiến đã diễn ra gần hai năm và nhiều người đang cảm thấy rất mệt mỏi. Nhưng thành phần cảm thấy kiệt sức nhất tất nhiên là những người lính trong quân đội. Các Kitô hữu có thể làm gì để nâng đỡ những người lính bị thương và đặc biệt đối với những gia đình có người thân đã ngã xuống? Trả lời câu hỏi này, linh mục của Giáo hội Công giáo Đông phương Ucraina khẳng định rằng những người đặt câu hỏi trước hết cần phải luôn nhớ rằng những người lính đã ở đó vì họ. Bởi vì đôi khi những người trẻ bị thương phải nằm ở trên giường và không thể đi ra ngoài, và đối với họ, nói chuyện với những người đến thăm là một cách đi ra ngoài. Và điều cũng rất quan trọng đó là thăm viếng những gia đình đang cần sự hỗ trợ. Khi những người lính bị thương thấy mọi người nhớ đến họ, đến thăm họ chỉ đơn giản để nâng đỡ họ và mang đến một cái gì đó, họ hiểu rõ rằng vì điều gì họ đang hy sinh. Bởi vì nếu bạn được bao quanh bởi những người tốt, những người đánh giá bạn cao, những người yêu mến và trôn trọng bạn, thì bạn muốn bảo vệ điều tốt đẹp này để con cái, gia đình và những người thân của bạn có thể hưởng nó sau đó.
Cha Myron kết luận: “Bạn hiểu những gì bạn đang chiến đấu, bạn hiểu hy sinh của bạn không vô ích và có điều gì đó để bảo vệ. Vì vậy, tránh sự dửng dưng là bước đầu tiên cần làm, và nhớ rằng cần phải đánh giá cao sự hy sinh của người khác và yêu thương họ, không dửng dưng là điều quan trọng nhất”.