Gianfranco Chiti, từ tướng lãnh thành thầy dòng
Giuse Trần Đức Anh O.P.
Một ngày nọ trong năm 1978, dư luận ở Ý ngỡ ngàng trước tin: thiếu tướng Gianfranco Chiti, chỉ huy trưởng trường Hạ Sĩ Quan ở thành phố Viterbo, cách Roma 80 cây số về hướng bắc, giã từ binh nghiệp và gia nhập dòng Capucino.
Thân thế
Gianfranco Chiti sinh năm 1921 tại tỉnh Novara, bắc Ý, và năm lên 15 tuổi, Gianfranco gia nhập trường thiếu sinh quân ở Milano.
Sau khi tốt nghiệp ưu hạng trường Sĩ Quan Bộ Binh ở Modena với cấp bậc thiếu úy, trong thời thế chiến thứ 2, Gianfranco trở thành một sĩ quan chuyên nghiệp và lần lượt được gửi tới các mặt trận khác nhau, trong đó có mặt trận ở Nga, chỉ huy một đại đội với hơn 200 người. Gianfranco bị thương vì mảnh đạn ở lưng, làm cho ông cơ cực suốt đời. Khi bị thương, các bác sĩ đề nghị cưa một chân, nhưng ông từ chối, vì không muốn bỏ rơi các binh sĩ thuộc quyền, và sau đó ông đã phục hồi được việc sử dụng chân.
Trong cuộc rút lui của quân Ý khỏi Nga, Gianfranco Chiti đã cứu nhiều binh sĩ khỏi chết, vì những người này kiệt lực, chỉ muốn dừng lại bên vệ đường chờ chết. Ông hết sức khuyến khích và thúc giục họ tiếp tục bước đi thay vì nằm đó để tử thần bắt đi. Ông Gianfranco cũng ghi lại trong hồi ký: "Khi tôi thấy thi thể của những người đồng ngũ của tôi, tự nhiên tôi quì xuống và hôn họ, vì họ chết do lỗi của những người khác, vì họ đã bị tước khỏi gia đình họ, để đi tới một nơi xa xăm để chết. Tôi thấy nơi họ hình ảnh của Đấng Cứu Thế, vì chiến tranh là hậu quả của tội lỗi trên thế giới”.
Bị giam cầm
Chính phủ của cộng hòa xã hội Ý, do nhà độc tài phát xít Mussolini lãnh đạo, bị lật đổ cùng với sự thất trận của Đức Quốc xã.
Sau ngày 25/4/1945, trong tư cách là cựu chiến binh của chế độ cũ, trung úy Gianfranco Chiti lần lượt bị giam trong hai trại ở Coltano và Laterina do Quân đồng minh Mỹ-Anh thiết lập.
Trong các trại giam cầm ấy, Gianfranco dần dần ý thức hơn về "chiều kích cứu độ của đau khổ được sống trong sự kết hiệp với Chúa Kitô”.
Năm 1946, khi Ủy ban thanh lọc thấy ông Gianfranco đã tôn trọng các lời tuyên thệ của một sĩ quan và đã cứu sống nhiều thường dân, quân kháng chiến cũng như các gia đình người Do thái, nên đã quyết định trả tự do cho ông.
Cứu nhân
Về sau, Cha Flavio Ubodi, Phó thỉnh nguyện viên án phong chân phước cho cha Gianfranco Chiti, cho biết "chính trong những năm dưới thời Cộng hòa xã hội Ý (RSI), nhờ cấp bậc sĩ quan, Chiti đã có thể cứu thoát được hằng trăm người, ngăn cản các vụ càn quyét và chống lại việc phá hủy nhiều làng mạc”.
Năm 1944, để cứu khoảng 200 kháng chiến quân khỏi bị xử bắn, trung úy Gianfranco Chiti đã nghĩ ra một khóa học đặc biệt với mục đích tuyển mộ họ vào đại đội pháo binh, rồi cho họ trở về nhà. Ngoài ra, tên của Chiti cũng được ghi trong "Sách Những Người công chính” thuộc Hội đường Do thái ở Torino vì đã cứu thoát một số gia đình Do thái.
Sau khi được trả tự do, Gianfranco Chiti được tái gia nhập quân đội Ý và được gửi sang Somali, bên Phi châu, phục vụ trong một sứ vụ của Liên Hiệp Quốc. Rồi dần được thăng cấp và giao phó các nhiệm vụ khác nhau.
Năm 1971, khi được 50 tuổi, ông Chiti, bấy giờ là Đại tá, được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng trường Hạ Sĩ Quan Viterbo. Nhiều thế hệ được đào tạo tại đây và họ còn nhớ kỷ luật nghiêm minh nhưng cũng đầy bác ái cũng như lòng sùng kính của ông đối với Đức Mẹ Ân Phúc ở Pesaro. Năm 1978, khi được 57 tuổi, ông được thăng thiếu tướng và giã từ binh nghiệp.
Đi tu dòng
Cựu thiếu tướng Gianfranco Chiti đã xin vào nhà tập của dòng Capucino ở thành phố Rieti, cách Roma khoảng 110 cây số về hướng đông bắc. Vài tháng sau khi vào nhà tập, thầy Gianfranco Chiti đã được cha bề trên dòng cho phép trả lời một cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican. Thầy cho biết về nguyên nhân thúc đẩy mình đi tu như sau:
"Sau khi tham gia mặt trận bên Nga rồi trở về Ý với cấp bậc trung úy, lần đầu tiên tôi cảm thấy tiếng gọi của Chúa, và tiếng gọi ấy còn vang vọng trong tâm hồn tôi nhiều lần nữa. Tôi cảm động và muốn hiến toàn thân để phụng sự Chúa. Nhưng rồi, vì lý do gia đình, bấy giờ tôi còn mẹ già đơn độc và đau yếu, và cũng vì tôi vẫn còn mê đời quân ngũ, nên tôi tự nhủ: Đợi xem, ý tưởng đi tu chắc rồi sẽ qua đi, vì đây quả là một ý tưởng điên rồ. Tôi cũng nghĩ rằng nếu mình tiếp tục đời binh nghiệp, thì cũng chẳng có gì là xấu. Cứ cố gắng sống như một giáo dân tốt trong địa vị mà Chúa đặt định cho mình là được rồi. Nhưng có điều là tiếng Chúa gọi vẫn không tắt lịm trong tâm hồn tôi, và không để tôi an tâm, nếu tôi không đáp lại tiếng gọi ấy. Bấy giờ tôi phó thác cho Đức Mẹ Maria, xin Mẹ giúp đỡ tôi trong việc đáp lại tiếng Chúa ... Và tôi đã đến ở tập viện này. Bây giờ tôi tràn ngập vui mừng và quyết định tiến bước trên con đường này như một chiến sĩ dũng cảm, cho đến cùng. Chúa ban cho tôi mỗi ngày những điều mà tôi không bao giờ tưởng tượng được. Người đã ban cho tôi một gia đình dòng tu huynh đệ, với sự hiện diện của các tập sinh trẻ trung, làm cho tôi cảm thấy trẻ trung như họ. Chúa làm cho bao nhiêu người thân yêu vẫn nhớ đến tôi, và niềm nhớ nhung này thúc đẩy họ lặn lội tới tu viện thánh Mauro này, để rồi họ ra về trong an bình và hạnh phúc, vì nơi họ sinh sống, họ không cảm thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa. Mặc dù ý thức sự yếu đuối của mình, nhưng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc vì có thể dâng hiến cho Chúa trọn thời gian còn lại của đời tôi để làm chứng nhân cho danh Chúa.”
Con đường linh mục
Khi vào dòng Capuchino, Gianfranco Chiti chỉ mong làm thầy trợ sĩ khiêm hạ, để phụng sự Chúa cho hết những chuỗi ngày còn lại. Nhưng các bề trên đã quyết định để thầy Chiti tiếp tục học triết và thần học để tiến lên chức Linh Mục. Và thầy được thụ phong ngày 12/9/1982, khi được 61 tuổi. Tân linh mục từ nay được gọi là Cha Gianfranco Maria da Gignese.
Cha đi nhiều nơi ở Ý để giảng thuyết và làm linh hướng.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2000, cha Chiti nói: "Ban sáng, khi cảm tạ Chúa vì hồng ân sự sống, tôi cũng cảm tạ vì đã cho tôi làm quân nhân, với nhiệm vụ không phải là để bắn như nhiều người nghĩ, nhưng nhất là nhiệm vụ giáo dục,... là bảo vệ hòa bình, luật pháp, công lý”.
Cha Gianfranco Chiti qua đời tại quân y viện Celio, Roma, ngày 20/11/2004, do hậu quả của một tai nạn lưu thông, hưởng thọ 83 tuổi và được an táng tại làng quê ở tỉnh Pesaro, trong nhà nguyện của gia đình. Thi hài cha được mặc quân phục dưới áo dòng Capuchino.
Án phong chân phước
Ngày 13/4/2015, án phong chân phước cho cha Gianfranco được Đức Cha Benedetto Tuzia, Giám Mục giáo phận Orvieto, khởi sự, sau khi được phép của Bộ Phong Thánh cho chuyển thẩm quyền từ Tòa Giám Quản Roma nơi cha qua đời.
Sau gần 4 năm điều tra, ngày 30/3/2019, lễ nghi kết thúc cuộc điều tra ở cấp giáo phận được cử hành với thánh lễ do Đức Cha Tuzia chủ sự tại Nhà thờ chính tòa giáo phận Orvieto và toàn bộ hồ sơ được gửi về Bộ Phong thánh ở Roma để cứu xét.
Chỉ sau gần 5 năm xét, ngài 25/1 vừa qua (2024), Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh rằng vị Tôi Tớ Chúa Gianfranco Chiti đã thực hành các nhân đức Kitô giáo đến mức độ anh hùng. Giai đoạn kế tiếp là cần có một phép lạ được chứng thực để cha Chiti có thể được Giáo Hội tôn vinh trên bàn thờ.
Chứng từ
Nhiều chứng từ của cha Gianfranco Chiti hoặc được viết về cha đã được phổ biến trong thời gian qua, trong đó có hai cuốn sách được nhà xuất bản Ares ấn hành. Thứ nhất là cuốn "Tướng lãnh được Thiên Chúa tuyển dụng” (Il generale arruolato da Dio” (352 trang). Đây là cuốn tiểu sử vị Tôi Tớ Chúa. Tác giả là ông Vincenzo Ruggero Manca, nguyên là Trung tướng không quân rồi làm thượng nghị sĩ, học trò của ông Chiti trong thời ông dạy học tại Salento.
Năm 2021 là năm kỷ niệm 100 năm sinh nhật của cha Gianfranco Chiti, các cựu học viên trường hạ sĩ quan Viterbo viết: "Năm 2021 kỷ niệm sinh nhật thứ 100 chỉ huy trưởng Chiti của chúng tôi... Một vĩ nhân đã đánh dấu cuộc sống của chúng tôi, các giáo huấn của cha như một ngọn đèn pha trong đêm tối... Nhiều người trong chúng tôi đang theo dõi án phong chân phước cho cha, hồ sơ đã được gửi về Bộ Phong Thánh, chúng tôi cầu mong án này sẽ được Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý...".
"Không có ai như chúng tôi, các sinh viên trường Hạ Sĩ quan Viterbo, những người trẻ mới "cai sữa” sau tuổi thiếu niên, tất cả đều mơ ước tìm kiếm con đường đúng đắn để theo đuổi, đã có thể đón nhận sự chân thực của đại nhân này, một vị Chỉ Huy trưởng như một người Cha hướng dẫn, khích lệ và bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi như con của ngài; ngài đã đặt mọi hy vọng được thấy chúng tôi vững mạnh, chắc chắn và trung thành với tổ quốc! Tất cả chúng tôi ngày hôm nay cám ơn cha, những giáo huấn của cha còn sống trong chúng tôi, để phổ biến những cử chỉ, niềm tin và tư tưởng của cha như một vị Thánh”.