40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Vatican và Hoa Kỳ

Blog Single
Năm nay, Vatican và Hoa Kỳ kỷ niệm 40 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, 1984-2024. Trong một cuộc phỏng vấn, giáo sư Darren Dochuk chuyên ngành lịch sử của đại học Notre Dame, và đồng giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Công giáo Hoa Kỳ của đại học Cushwa đã cho biết lịch sử quan hệ ngoại giao của hai bên từ trước năm 1984 đến nay.

Vatican News

** Thưa giáo sư, có phải Hoa Kỳ đã có quan hệ ngoại giao với Toà Thánh trước ngày 10/01/1984 không?

Thực tế, các quan hệ cấp lãnh sự đã có từ cuối thế kỷ 18. Từ năm 1867 đến năm 1984 đôi khi đã có những căng thẳng nảy sinh, nghĩa là giữa Hoa Kỳ và Vatican vẫn có những tương quan, nhưng không thực sự chính thức. Các tổng thống vẫn bổ nhiệm các đại diện cá nhân tới Vatican, nhưng không có vai trò chính trị như thường có đối với một đại sứ.

Vì vậy, những gì xảy ra vào năm 1984 thực sự là sự phục hồi kiểu kết giao chính thức với Vatican, điều đã xảy ra trước đó, tuy nhiên lại thể hiện một bước ngoặt khá quan trọng trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Vatican trong thế kỷ 20.

** Điều gì đã thay đổi sau Nội chiến?

Tôi nghĩ nó liên quan đến các vấn đề về sự can dự của Vatican vào Nội chiến, ủng hộ các nguyên nhân không thân thiện, như những người Tin lành miền Bắc đã nhìn thấy, bao gồm cả những tin đồn về việc có liên quan đến vụ ám sát Abraham Lincoln. Tất cả những điều đó đã khơi dậy một làn sóng chống Công giáo mạnh mẽ, đặc biệt trong Liên minh Tin lành - Anh.

Điều đó đã dẫn đến việc Quốc hội ngày càng mất niềm tin vào Vatican và hậu quả là Washington chính thức tách khỏi các mối quan hệ với Vatican, khởi đầu cho một thời kỳ chống Công giáo đang gia tăng ở Hoa Kỳ. Trong thời kỳ này, người Mỹ nghi ngờ Vatican, về quyền lực của Công giáo, và đó là lý do tại sao các tổng thống trong suốt thời kỳ này, từ năm 1867 đến năm 1984, cảnh giác với việc thay đổi hoặc làm cho mối quan hệ với Vatican trở nên thực chất hơn.

Có luật nào cấm những mối quan hệ chính thức giữa Hoa Kỳ và Vatican không?

Vào năm 1867 đã có đạo luật được Quốc hội thông qua, cấm bất kỳ sự hỗ trợ tài chính hoặc chính trị nào trong tương lai cho hoạt động ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Tòa Thánh. Với tổng thống Ronald Reagan, một trong những bước đầu tiên của ông trong việc cố gắng tái thiết lập mối quan hệ chính thức hơn chính là hủy bỏ luật đó.

Mọi thứ đã thay đổi như thế nào cho đến năm 1984?

Có rất nhiều khúc quanh trong giai đoạn giữa thế kỷ 20. Có những nỗ lực của tổng thống Franklin Roosevelt, và sau đó là tổng thống Harry Truman nhằm củng cố mối quan hệ với Vatican. Một trường hợp được biết đền nhiều là Myron Charles Taylor, một nhà tư bản công nghiệp được bổ nhiệm làm đặc phái viên riêng của tổng thống Roosevelt tại Vatican trong Thế chiến thứ hai và thực sự có ảnh hưởng trong việc giúp hướng dẫn các nỗ lực chiến tranh của Đồng minh, cũng như các sáng kiến hòa bình ở khu vực bị tàn phá đó. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố sự hiện diện của Washington ở Roma.

Tổng thống Truman đánh giá cao những nỗ lực của Taylor, nhưng một lần nữa cũng thận trọng về việc chính thức hóa theo bất kỳ nghĩa nào vì sự phản đối của người Tin lành. Vào những năm 1950, thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tôn giáo đóng một vai trò nổi bật hơn trong xã hội dân sự. Tổng thống Dwight Eisenhower sau đó nổi tiếng với việc tuyên bố một nước Mỹ theo Tin Lành-Công giáo-Do Thái, một nước Mỹ ba tôn giáo, như một cách để chống lại chủ nghĩa cộng sản thế tục. Nhưng trong lúc đó, người Công giáo đang bước vào xu hướng chính thống, và điều này làm cho người Tin lành, đặc biệt là những người Tin lành bảo thủ, càng nghi ngờ hơn về mối quan hệ với Vatican. Tổng thống Truman phải đối diện với sự phản đối, và kết quả là sự từ chức của Taylor cùng với nỗ lực thất bại trong việc tìm người kế vị ở Vatican.

Vào năm 1970 đã có sự thay đổi khá đột ngột. Tôi nghĩ một trong những thay đổi quan trọng nhất là chính những người Tin lành, đặc biệt những người bảo thủ, bắt đầu coi người Công giáo là đồng minh. Họ ngày càng liên kết trong cuộc đấu tranh cho các giá trị xã hội bảo thủ. Tất nhiên, đây là phản ứng đối với vụ Roe kiện Wade, phản ứng với vấn đề phá thai, quyền của người đồng tính, v.v., và do đó, trong bầu không khí chiến tranh văn hóa đang nổi lên của những năm 70 và 80, những người Tin lành coi người Công giáo như những người bạn và đồng minh, và trong trường hợp đó, cũng coi Vatican là một đồng minh tiềm năng trong cuộc chiến cho những giá trị này.

Và tất nhiên, như tổng thống Reagan nhìn thấy - và tôi nghĩ đây là trung tâm trong trí tưởng tượng của ông - Vatican là một đồng minh trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản trong cuộc chiến Chiến tranh Lạnh một lần nữa lại bùng nổ vào đầu những năm 1980. Và vì vậy ông mong muốn củng cố mối quan hệ đó. Ông tới Vatican, gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và sau đó vào năm 1984 chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là hành động mà trở lại những năm 40 và 50 có lẽ bị những người Tin lành Mỹ, những người duy trì quyền lực trong đời sống Mỹ, chỉ trích, thì đến những năm 80, họ đã ăn mừng - một bước ngoặt khá kịch tính.

** Vậy mối quan hệ ngoại giao đã đem lại những lợi ích gì trong 40 năm qua?

Quan hệ đem lại những điều hữu ích cho cả hai bên. Vatican nhìn thấy sự phong phú, tầm ảnh hưởng, thẩm quyền mà người Công giáo Hoa Kỳ có, tiềm năng định hướng đường hướng của Giáo hội, ngay cả khi Giáo hội đang lan rộng ảnh hưởng của chính mình và ngày càng hướng về phía Nam toàn cầu để được hỗ trợ và thu hút người dân ở đó.

Về phía Hoa Kỳ và những lợi ích từ mối quan hệ của nước này với Tòa Thánh, tôi nghĩ nó liên quan nhiều hơn đến hình thức bên ngoài, có tính chất quan hệ, củng cố trong trí tưởng tượng của người Công giáo Mỹ về mối quan hệ thuận lợi với Giáo hội. Về mặt nào đó, nó không còn được coi là đối lập hoặc thách đố lối sống của người Mỹ. Và do đó, việc Washington sẵn sàng làm việc với Vatican trong khả năng này chứng tỏ sự ủng hộ của họ đối với truyền thống đức tin và cộng đồng ngày càng có ý nghĩa ở cấp độ trong nước.

Và về mặt lợi ích chính sách chung, mặc dù chắc chắn có thể có căng thẳng, khi xem xét sự tham gia của Hoa Kỳ vào các cuộc chiến cụ thể hoặc từ chối hủy bỏ vũ khí hạt nhân, v.v., đây chắc chắn là những căng thẳng đã tồn tại về mặt chính trị giữa Washington và Vatican. Nhưng nhìn chung, tôi nghĩ rằng có sự quan tâm chung đối với các vấn đề bảo vệ tự do tôn giáo ở nước ngoài, vốn quan trọng không chỉ đối với những người ở Vatican, mà với cả những người Công giáo và Tin lành Hoa Kỳ, quan tâm đến các vấn đề như bảo vệ nhân quyền, chống nạn buôn người, và ở một mức độ nào đó - mặc dù điều này tất nhiên đã làm gia tăng căng thẳng nội bộ trong Giáo hội Công giáo - các vấn đề về khí hậu và môi trường.

Vì vậy, đây là những lợi ích chung mà tôi nghĩ đã gắn kết hai thực thể này lại với nhau và điều đó đã mang lại lợi ích, tôi nghĩ, cho cả hai trong nỗ lực định hình những hướng đi mới cho cộng đồng toàn cầu.

** Có khi nào Toà Thánh đã tác động đến chính sách của Hoa Kỳ không?

Người ta có thể thấy ảnh hưởng của Giáo hội đối với việc nâng cao ý thức trong lĩnh vực chính trị ở Hoa Kỳ. Một lần nữa, điều này đặc biệt trong việc Vatican làm cho mọi người quan tâm đến công bằng xã hội, giúp cho không chỉ người Công giáo nhưng toàn thể công dân Hoa Kỳ ý thức cần phải xem xét công bằng một cách nghiêm túc. Và tôi nghĩ điều này đã được các đại sứ Hoa Kỳ cạnh Toà Thánh nói đến từ năm 1984.

Washington đã công nhận điều này, và tôi nghĩ đây là một vinh dự. Và một lần nữa tôi nghĩ các lý do, chính sách về các vấn đề tự do tôn giáo luôn được đặt lên hàng đầu và trung tâm. Đây cũng là một vấn đề được tranh luận, chẳng hạn như về những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tạo mối quan hệ với Bắc Hàn, dưới thời chính quyền tổng thống Trump, hoặc đấu tranh với các quyết định về chính sách ở Trung Đông liên quan đến Israel, mà Đức Thánh Cha đã nói thẳng ra. Tôi nghĩ, đã có những khoảnh khắc liên kết rõ ràng đã tạo ra một mục đích chung, và cũng có những khoảnh khắc căng thẳng khiến Vatican phê bình Hoa Kỳ và ngược lại.

** Quan hệ ngoại giao hiện đang hướng về đâu?

Tôi sẽ mong đợi nhiều điều tương tự. Rõ ràng với Tổng thống Biden, với đức tin Công giáo của ông, đây là một mối quan hệ quan trọng để ông duy trì, ngay cả khi chính trị của đảng ông - đặc biệt là các vấn đề xã hội - có lẽ đồng thời không hoàn toàn phù hợp với Vatican. Tôi nghĩ đã có rất nhiều cuộc trò chuyện giữa Washington và Vatican về các vấn đề khí hậu, các vấn đề về công lý môi trường và chăm sóc đất đai. Đó là lĩnh vực mà mối quan hệ này vẫn bền chặt và có lẽ còn mạnh mẽ hơn nữa.

Bất kể điều gì xảy ra trong cuộc bầu cử tiếp theo, cho dù đó là Biden hay ai đó từ Đảng Cộng hòa, tôi nghĩ họ đều sẽ đưa ra một loạt ưu tiên bắt nguồn từ khu vực bầu cử của chính họ mà cuối cùng sẽ có tác dụng củng cố hoặc ít nhất là duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Vatican. Nếu một đảng viên Cộng hòa đắc cử tổng thống, người ta có thể cho rằng sẽ có nhiều nỗ lực hơn nữa để tăng cường bảo vệ quyền tự do tôn giáo, để đảm bảo rằng cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo được đặt lên hàng đầu và trung tâm trong cả chính sách đối nội và quốc tế của Hoa Kỳ, chống lại điều mà nhiều người bảo thủ coi là cuộc chiến về đức tin, thế tục hóa xã hội. Và tất nhiên, đây cũng là điều mà Đức Thánh Cha bày tỏ quan ngại.

Vì vậy, tất cả những gì cần nói là, tôi nghĩ mối quan hệ sẽ tiếp tục như hiện tại, thậm chí không trở nên bền chặt hơn khi chúng ta tiến về phía trước. Tôn giáo ngày nay, hơn 10 năm trước, 20 năm trước, chiếm vị trí trung tâm hơn trong hoàn cảnh chính trị trong nước và toàn cầu, đảm bảo nhu cầu, ít nhất, về mối quan hệ chặt chẽ giữa Washington và Roma.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-02/40-nam-ngoai-giao-hoa-ky-vaticna.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: