Giáo hạt Túc Trưng hành hương mừng kính Đức Mẹ Núi Cúi dịp Đầu Xuân Giáp Thìn
Giáo hạt Túc Trưng hành hương mừng kính Đức Mẹ Núi Cúi dịp Đầu Xuân Giáp Thìn
“Hôm nay, ngày đầu năm của Tết dân tộc, chúng ta đến đây với Đức Mẹ với niềm tin tưởng và tâm tình cầu nguyện của con cái muốn được nương ẩn dưới tà áo của Mẹ trong suốt thời gian của Năm Mới.” Và Đức Cha còn thêm trong bài giảng khi nói đến tâm tình và thực hành của người Kitô hữu khi sống trong thời khắc đặc biệt này “chúng ta sống với Chúa, mừng Xuân mới với Chúa.”
Quả vậy, khi mọi người vẫn đang cảm nhận hương vị Tết Giáp Thìn, thì chiều ngày 13/2/2024, cũng là ngày mùng bốn Tết Âm Lịch, quý Cha Quản Hạt, quý Cha, tu sĩ và rất đông các tín hữu của các hội đoàn trong các giáo xứ thuộc Giáo hạt Túc Trưng đã hành hương đến với Mẹ Maria tại TTHH Đức Mẹ Núi Cúi của Giáo phận nhà. Cũng trong tâm tình đến với Mẹ, để nhờ Mẹ- như lời dẫn khẩn nguyện dâng hoa kính Đức Mẹ- mọi thành phần dân Chúa trong Giáo hạt dâng lên Chúa lời tạ ơn vì biết bao hồng ân Chúa đã tuôn đổ xuống trên các giáo xứ, từng gia đình và mỗi người.
Trước Thánh Lễ, trong tâm tình con thảo của Chúa và Mẹ Maria, đoàn hoa đại diện các giáo xứ đã tiến hoa dâng lên Chúa để bày tỏ lòng tin, cậy, mến và yêu và tâm tình yêu kính Mẹ Maria, người Mẹ luôn che chở, phù trì và đỡ nâng cho những ai kêu khẩn Mẹ.
Thánh Lễ ngày hành hương chiều nay do Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Giáo phận chủ sự cùng với quý cha đồng tế như Cha Cố Giuse- linh hướng trung tâm, Cha Quản hạt Giuse Vũ Văn Khải và quý Cha Hạt Túc Trưng, Cha Giuse Vũ Thế Toàn, cùng quý Cha. Nói với cộng đoàn trong phần đầu lễ, Đức Cha Giáo phận mời gọi cộng đoàn hình dung hình ảnh của một Giáo Hội được ví như một ngôi nhà, ở nơi đó, “anh chị em từ muôn phương, bất cứ nơi đâu trên thế giới này, chúng ta vào nhà Chúa cầu nguyện, nhà của Giáo Hội, nhà của mình.” Và “Giáo Hội cũng được ví như một gia đình, mà trong đó, các thành phần gần gũi với nhau.” Vì thế, sự hiệp thông trong mọi thành phần trong Thánh Lễ ngày hành hương kính Đức Mẹ Fatima càng làm cho từng người như đang cảm nhận ý nghĩa của, một gia đình có Chúa ở giữa và Mẹ Maria đồng hành trong đời sống của Giáo Hội và của từng người.
Từ bài Tin Mừng Luca 11,27-28, Đức Cha Gioan khai triển ý tưởng mà Giáo Hội mời gọi cộng đoàn suy niệm “hướng lên Mẹ Maria, Mẹ hiền của Giáo Hội”. Hướng lên Mẹ Maria, Mẹ hiền của Giáo Hội, bởi Mẹ thấu hiểu nhu cầu của con cái, gần gũi với từng người. Để rồi, trong những ngày đầu Xuân, Đức Cha nói, “mỗi người nhờ Mẹ Maria dâng lên Chúa những tâm tình đầu Xuân, và nhờ Mẹ, giúp cho những ước vọng đầu Xuân của chúng ta được thành tựu.” Những ước vọng đầu Xuân đó, như Đức Cha chia sẻ, chính là những ý nguyện xin trong phụng vụ thánh của ba ngày đầu Xuân do Giáo Hội Việt Nam thiết lập. Nếu ngày Mùng Một với ơn xin bình an cho bản thân, gia đình và người thân của mình trong Năm Mới, Đức Cha nói, thì đó là sự bình an của người có được cái phúc của Chúa ban cho như các mối phúc nói đến (x. Mt 5, 3-12) chứ không phải là thứ bình an theo cái nhìn của người đời, thế gian. Bình an ở đây chính là sự bình an của Chúa, bình an của sự sống nội tâm, bình an của người dù nghèo vật chất nhưng có Chúa, bình an của người có tâm hồn trong sạch. Đó là bình an của Đấng đã chiến thắng cái chết, bình an của Đấng Phục Sinh đi liền với hơi thở của Thánh Thần mà Chúa Phục Sinh đã ban “Bình an cho các con” (Ga 20,19-22). Với ngày Mùng Hai – Kính nhớ Tổ Tiên, Giáo Hội Việt Nam mời gọi người tín hữu sống chữ hiếu hướng về các Tiền nhân là Ông Bà, Cha Mẹ để ca ngợi công đức và ơn sinh thành dưỡng dục của các ngài trên cuộc đời mình. “Công đức của các ngài là truyền đức tin cho con cháu, một đức tin vững mạnh đón lấy từ Giáo Hội và trao truyền lại cho mỗi chúng ta.” Trong dẫn giải của ý nguyện phụng vụ “Kính nhớ Tổ tiên”, Đức Cha còn liên hệ đến lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện (x. St 3,15) trong câu chuyện vườn địa đàng sau khi Ông Bà Nguyên tổ phạm tội. Đức Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa đã làm người, chính là “nhân vật” trong lời hứa “đạp nát đầu con rắn,” là Đấng đã lấy máu chính Ngài để tế lễ lên Thiên Chúa. “Khi chúng ta hướng đến các bậc tiền nhân, chúng ta thấy quãng đời- thời của các ngài- đẹp như một bông hoa dẫu có biến đổi, qua đi, nhưng cuộc đời của các ngài thực sự đẹp.” Và sự kết tinh hoa trái của cái đẹp trong đức tin của các bậc tiền nhân đã truyền lại cho con cháu, là mỗi người đang hiện diện, sống đức tin được truyền lại đó. Hướng đến các bậc tiền nhân là trở về nguồn sự sống, là chính Chúa- cội nguồn sự sống “Chúa ban sự sống cho ông bà, cha mẹ chúng ta, và các ngài truyền lại sự sống đó cho chúng ta.” Để rồi, như Đức Cha nhấn mạnh và đưa chữ “hiếu” lên tầm cao và tột đỉnh “Trong ngày mùng Hai, chúng ta sống chữ “hiếu” với ông bà, thì chúng ta cũng cần sống chữ “hiếu” với Chúa- cội nguồn xây dựng lên ông bà, cha mẹ của chúng ta.” Với tâm tư nguyện xin trong ngày mùng Ba Tết “Xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm”, Đức Cha chia sẻ “chúng ta xin Chúa cùng làm việc với chúng ta.” Ngài nói, như từ dụ ngôn trong Tin Mừng Mt 15, 24-30 “Chúa dạy chúng ta: các vốn liếng Chúa trao cho mỗi người trong Năm Mới này, hãy cố gắng sinh lợi với Chúa với vốn Chúa ban,” chứ đừng lười biếng. Đồng thời, khi “chúng ta xin Chúa chúc phúc cho công việc, có thành quả, thì cũng một trật, làm giàu trước tôn nhan Chúa” chứ không như người phú hộ trong dụ ngôn Luca 12,13-21 đã bị Chúa qưở trách. “Làm giàu trước nhan Thiên Chúa là như thế nào?” Nghĩa là, Đức Cha giải thích, khi mỗi người có được thành quả trong công việc, dù thành quả ấy ra sao, họ hãy dâng lên Thiên Chúa, như lời nguyện Thánh Thể Giáo Hội nguyện đọc “Chúc tụng Chúa đã dựng lên tấm bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao con người, chúng con xin dâng lên Chúa để trở thành bánh trường sinh nuôi dưỡng chúng con […] trở nên của uống cho chúng con.” Như vậy, trong sự lao nhọc vất vả hằng ngày, trong những thành quả của công việc, Đức Cha nói, mỗi người tín hữu hãy dâng lên Chúa “để cuộc đời công khó của chúng ta trong khi lao động trở thành Mình Thánh, Máu Thánh, trở thành Thiên Chúa, trở thành Chúa của chúng ta.” Với thực hành thứ hai của việc “Làm giàu trước nhan Chúa” chính là “Nghe và giữ lời Thiên Chúa” (x. Lc 11,28), đến với tòa giải tội để lãnh nhận Bí tích Hòa Giải, tham dự Thánh Lễ để được nghe Lời Chúa và rước lấy Thánh Thể.
Thánh Lễ ngày hành hương kính Đức Mẹ Fatima ngày đầu năm của Giáo Hạt Túc Trưng được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể trong tâm tình tạ ơn và khẩn cầu Chúa xuống trên Giáo hạt, từng Giáo xứ, gia đình và cuộc đời mỗi người trong Năm Mới qua việc mỗi người đón lấy chính Chúa vào trong tâm hồn họ.
Trước khi lãnh nhận phép lành cuối lễ từ Đức Cha chủ tế, một vị đại diện Ban Hành Giáo Giáo Hạt đã kính dâng lên Đức Cha Giáo phận, quý cha tâm tình tri ân, chúc Xuân đến Đức Cha, quý Cha của cộng đoàn dân Chúa của Giáo Hạt Túc Trưng, cũng như bày tỏ niềm vui khi “được sum vầy trong ngày đầu Xuân” trong ngôi nhà của Giáo Hội, Giáo phận.
Đáp từ lại lời cám ơn của cộng đoàn, trước hết, Đức Giám mục Giáo phận bày tỏ niềm vui trong lời chúc của vị đại diện với các cụm danh từ, câu “anh em chúng ta” “được sum vầy với nhau trong nhà Chúa”, cùng “lời chúc mọi người như rồng bay trong năm mới”. Và thật ý nghĩa, như Đức Cha chia sẻ, ngày hành hương đầu năm mới của Giáo hạt Túc Trưng được xem như “khai mở năm Âm Lịch mới cầu nguyện với Đức Mẹ.” Và ý nghĩa còn thiêng liêng nữa khi sự hiện diện của bao người trong ngày hôm nay vào trước ngày Thứ Tư Lễ Tro thôi thúc mọi người gặp Chúa sâu xa hơn, với tâm hồn và con người mới, tinh thần thiêng liêng của con cái Chúa bước vào mùa hồng phúc mà Thiên Chúa dành cho con cái Ngài.
Ngày hành hương của Giáo Hạt Túc Trưng chắc chắn đã, đang và sẽ đem lại nhiều niềm vui, hồng phúc cho Giáo Hạt, từng Giáo xứ, gia đình, mỗi người vì được Chúa ban cho qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria- Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ hiền của Giáo Hội và cũng là Mẹ hiền của tất cả những ai đón Mẹ về nhà mình.
Tin: Nt. Teresa Ngọc Lễ, OP
Ảnh: MVTT Hạt Túc Trưng