Hướng tới 1700 năm Công đồng Đại kết Nicea

Blog Single
Trong thời gian qua, và trong những tháng tiếp theo, Phong trào Đại kết đã có những sự kiện để chuẩn bị cho năm 2025, Năm Thánh kỷ niệm 1700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên.

Vatican News

Năm 2025, các Kitô hữu trên khắp thế giới cử hành Lễ Phục Sinh vào cùng một ngày

Một sự trùng hợp quan phòng, vào năm 2025, Năm Thánh, lễ Phục sinh theo lịch Gregorian và lễ Phục sinh theo lịch Julius diễn ra cùng một ngày. Và như vậy, trong năm cử hành 1700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên, Công đồng Nicea, các Kitô hữu trên khắp thế giới sẽ cùng nhau cử hành lễ Phục sinh, như thể Giáo hội chưa bao giờ bị chia rẽ.

Những điều đã đạt được và những nỗ lực cần tiếp tục

Thực tế, trong những năm gần đây, những tiến bộ đạt được trong cuộc đối thoại đại kết, với sự thúc đẩy mang tính quyết định của Công đồng Vatican II, đã đem lại niềm hy vọng về một con đường hiệp nhất ít khó khăn hơn. Như thường lệ, trong Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu, Đức Hồng Y Kurt Koch, Tổng trưởng Bộ Cổ võ Hiệp nhất các Kitô hữu đã đưa ra một loạt các bài viết đề cập đến cuộc đối thoại trong tất cả các khía cạnh. Năm vừa qua được coi là một năm có nhiều sự kiện kỷ niệm, và không thiếu những thách đố trước cái nhìn hướng đến kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nicea.

Chính nhờ cái ôm giữa Thánh Giáo hoàng Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras tại Giêrusalem vào ngày 07/01/1964, cách đây 60 năm, mà vào ngày 07/12/1965, các đại diện cao nhất của Giáo hội Công giáo và Toà Thượng phụ Constantinople đã gặp nhau ở Nhà thờ của Đức Thượng phụ ở Constantinople, và tại Đền thờ Thánh Phêrô để xoá bỏ các vạ tuyệt thông lẫn nhau của năm 1054, và xoá bỏ vạ tuyệt thông khỏi ký ức và phương tiện của Giáo hội, để không còn là một trở ngại cho việc gần nhau trong tình bác ái.

Đức Hồng Y Koch nhắc lại rằng Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khi đó là Hồng y và với tư cách của một thần học gia đã bình luận về sự kiện này rằng: “biểu tượng của chia rẽ” đã được thay thế bằng “biểu tượng bác ái”.

Nhưng vị Giáo hoàng tương lai, còn đi xa hơn và trong một lập luận dường như để chuẩn bị cho các cuộc đối thoại về Nicea, đã tự hỏi rằng thực sự có thể nói về sự chia rẽ Giáo hội giữa Đông và Tây, vì ngày tháng của năm 1054 mang tính biểu tượng hơn lịch sử, bởi vì không có một sự ly giáo theo đúng nghĩa giữa Đông và Tây trong Giáo hội.

Nói tóm lại, đó là một quá trình xa cách lịch sử, trong đó các câu hỏi thần học đi vào, nhưng không mang tính quyết định. Tuy nhiên, điều này yêu cầu cuộc đối thoại bác ái phải đi cùng với cuộc đối thoại về sự thật, mà Đức Hồng Y Tổng trưởng nói là việc xây dựng một nền thần học nghiêm túc về những khác biệt thần học vẫn còn là nguồn gốc của sự chia rẽ, nhằm làm cho sự hiệp thông Giáo hội và Thánh Thể có thể đạt được.

Chủ đề lớn là “sự hiểu biết khác nhau về thừa tác vụ của Giám mục Rôma”. Nhưng ngay cả ở đó, chúng ta cũng có thể bắt đầu từ một nền tảng chung, và đó là thực tế rằng ngay từ đầu Roma được coi là ngai toà đầu tiên.

Do đó, một sự phát triển hơn nữa được mong đợi bắt đầu từ các tài liệu về Quyền tối thượng và tính hiệp hành trong thiên niên kỷ thứ hai và thiên niên kỷ thứ nhất, cả hai đều được phát hành bởi Ủy ban Thần học chung Chính thống - Công giáo.

Quan tâm chung về bảo vệ sự sống con người

Hành trình đến Nicea phát triển trên nền tảng của nhiều chủ đề chung. Một trong số đó là việc bảo vệ sự sống con người, cũng là trung tâm tuyên bố chung của Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga vào năm 2016. Nhưng đó là một chủ đề cũng đề cập đến cuộc đối thoại với người Do Thái, được lồng vào, với một lựa chọn ngôn sứ, như một phần của cuộc đối thoại đại kết chứ không phải là một phần của cuộc đối thoại liên tôn. Bởi vì, cuối cùng, nguồn gốc trực tiếp Kitô giáo từ Do Thái giáo được công nhận.

Trong một bài viết về lĩnh vực đối thoại chung, cha Norbert Hofmann, Tổng Thư ký Ủy ban Toà Thánh về Quan hệ với Do Thái giáo, nhấn mạnh đến cách thức đối giữa người Do Thái và Công giáo, sự sống con người phải “được tôn trọng và bảo vệ dưới mọi hình thức và trong mọi điều kiện. Sự sống con người không được thao túng theo ý muốn con người, bởi vì đơn giản là sự sống không thuộc về con người. Nếu con người chiếm hữu sự sống, cuối cùng con người sẽ đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa, vượt quá giới hạn thuộc về mình và tự đặt mình làm thẩm phán của sự sống và cái chết”.

Triển vọng đối thoại với các Giáo hội Chính thống Đông phương

Thay vào đó, cha Hyacinthe Destivelle đã nhìn vào một trong những cuộc đối thoại đại kết hứa hẹn nhất, cuộc đối thoại với các Giáo hội Chính thống Đông phương, bắt đầu từ 20 năm trước. Các Giáo hội Chính thống Đông phương chỉ công nhận ba công đồng đại kết đầu tiên, và do đó được gọi là tiền Công đồng Chalcedonia, nhưng đó là những công đồng gần gũi nhất với Giáo hội Công giáo về mặt thần học. Và thực tế, các cuộc họp, ban đầu được thúc đẩy bởi Tổ chức Pro Oriente chuyên về đại kết và được tổ chức tại Vienne của Áo giữa năm 1971 và 1978, đã đặt nền móng cho cuộc đối thoại này, phác thảo “Công thức Vienne”, hay thỏa thuận Kitô học mà các nhà thần học đạt được trong cuộc tham vấn đầu tiên vào năm 1971, dẫn đến việc vượt qua cuộc tranh cãi nảy sinh xung quanh Công đồng Chalcedonia.

Cha Destivelle nhắc lại rằng “cho đến nay cuộc đối thoại đã thông qua ba tài liệu quan trọng về bản chất Giáo hội, phản ánh sự phong phú của các truyền thống Kitô đại diện trong Ủy ban”. Các tài liệu gồm: Bản chất, thiết lập và sứ vụ của Giáo hội năm 2009; Thực hành hiệp thông trong đời sống Giáo hội sơ khai và những ảnh hưởng của thực hành này đối với việc tìm kiếm sự hiệp thông của chúng ta ngày nay vào năm 2015; và Các bí tích trong đời sống Giáo hội năm 2022.

Cha Destivelle lưu ý về “tài liệu đầu tiên của sự đồng thuận đại kết về bảy bí tích”. Hiện tại, trọng tâm là Thánh Mẫu học, và không thể loại trừ, đối với cử hành Nicea, cũng như một số sự kiện tại Nhà Đức Mẹ ở Epheso, cũng là một trong những đền thánh tham gia cuộc đua marathon Mân Côi chống đại dịch do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng vào năm 2021. Ở Epheso, trong số những điều khác, một công đồng vào năm 431 đã định nghĩa đó như là đá tảng của chính thống Kitô giáo.

Đối thoại với các Giáo hội khác

Nhưng cuộc đối thoại đại kết cũng sẽ phát triển như thế nào với các Giáo hội chị em khác? Có một cơ quan - Hội đồng Đại kết các Giáo hội - có trụ sở tại Genève, trong những năm qua đã đón các cuộc viếng thăm của Thánh Phaolô VI và sau đó là Đức Thánh Cha Phanxicô. Hội đồng đại diện cho một phần lớn các hệ phái Kitô trên thế giới, và Giáo hội Công giáo tham gia với tư cách là quan sát viên.

Cha Andrzej Choromanski, phụ trách về các quan hệ với Hội đồng, nhắc lại rằng nhóm đã xuất bản một phúc trình vào năm 2021 về “Các Giáo hội nói gì về Giáo hội? Các kết quả và đề xuất chính cho Giáo hội: Hướng tới một tầm nhìn chung”.

Cha Choromanski lưu ý rằng “phúc trình tiết lộ rằng các phản ứng nói chung là tích cực: thay vì đi theo các hướng khác nhau, các truyền thống Kitô giáo khác nhau đồng ý về tầm nhìn, bản chất và sứ vụ của Giáo hội”. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm về khái niệm hiệp nhất hữu hình, về sự hiểu biết Giáo hội như sự hiệp thông và ý nghĩa của khái niệm công nhận lẫn nhau, cũng như vai trò của các thừa tác vụ khác nhau trong Giáo hội, cũng bao gồm “việc phong chức linh mục cho phụ nữ, đưa giáo dân vào các cơ cấu và quá trình ra quyết định ở cấp địa phương và phổ quát, khả năng hợp tác chặt chẽ hơn trong sứ vụ và truyền giáo; những kết quả mục vụ của việc công nhận lẫn nhau về phép rửa giữa các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau sống trong cùng một lãnh thổ”.

Ở điểm này, cái nhìn được hướng trực tiếp về Đông phương, Trung và Đông Âu. Trả lời cho câu hỏi “Những sáng kiến trong năm hiệp hành là gì?”, Cha Jaromír Zádrapa đặc biệt nhắc đến chuyến viếng thăm Roma của Hội đồng các Giáo hội Ucraina vào năm 2023, và buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha vào ngày 13/02/2023 với một phái đoàn từ Đại học Sulkhan-Saba Orbeliani Tbilisi (Georgia) do Đức cha Giuseppe Pasotto, Giám quản Tông tòa của Kavkaz dẫn đầu, nhằm mục đích “cung cấp giáo huấn hàn lâm dựa trên các nguyên tắc về phẩm giá con người và tự do để phục vụ xã hội tốt hơn. Một số giáo sư và phần lớn sinh viên là Chính thống giáo”.

Do đó, cha  Zádrapa nhắc lại chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y Koch đến Slovakia từ ngày 28 đến 30/3/2023. Trong năm 2023, Đức Hồng Y Koch đã thực hiện các cuộc viếng thăm đến các vị đứng đầu của Giáo hội Chính thống ở Bulgaria, Áo, Thuỵ Sĩ, Ý, và Malta. Đặc biệt là sự tham gia tại buổi tiếp kiến chung vào ngày 03/5 của Tổng Giám Mục Antonij, Chủ tịch Ban Quan hệ Đối ngoại của Volokolamsk, điều rất quan trọng vào thời điểm khó khăn cho cuộc đối thoại đại kết.

Nhưng chắc chắn sáng kiến thú vị và mới nhất là Diễn đàn về Đối thoại và Hòa bình ở Balkan mang tên “Hòa bình cho bạn, châu Âu! Hoà bình cho bạn, Balkan!”, một cuộc họp được tổ chức bởi Hội đồng Giám mục Slovenia, với sự tham dự của khoảng hai mươi đại diện của các truyền thống và tôn giáo Kitô giáo khác nhau hiện diện trên bán đảo Balkan. Diễn đàn kết thúc với một tuyên bố cuối cùng, có chữ ký của tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo hiện diện, trong đó có Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Sau đó, vào ngày 28/11, lễ khánh thành tấm bia với bức tranh khảm Mẹ Thiên Chúa Georgia đã diễn ra tại Vườn Vatican.

Nhưng có một sự kiện quan trọng cũng có thể có kết quả trong cuộc đối thoại đại kết và trong các cử hành Nicea, đó là vào ngày 9/5/2022, Tòa Thượng phụ Constantinople đã tái lập sự hiệp thông Thánh Thể với Giáo hội Chính thống Bắc Macedonia; và vào ngày 16/5/2022, Thượng hội đồng Giáo hội Chính thống Serbia tuyên bố vượt qua sự ly giáo giữa Belgrade và Skopje; sau đó, Thượng hội đồng đã công nhận quyền tự trị của chính Giáo hội đó, và vào tháng 6/2023, sự phát triển hội nhập của các giáo phận cũ của Giáo hội Chính thống Serbia trên lãnh thổ Bắc Macedonia cuối cùng đã hoàn thành.

Đây là tất cả các cơ sở sẽ dẫn đến việc cử hành Nicea, vẫn chưa được xác định. Không quên rằng sẽ có một sự kiện tiếp theo, bởi vì Đại hội đồng châu Âu tiếp theo được lên kế hoạch vào năm 2026, trong đó Hiến chương Đại kết, tài liệu đối thoại của các Giáo hội châu Âu, phải được cập nhật.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-02/huong-1700-cong-dong-dai-ket-nicea.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: