Nhà may Rafedin ở Jordan giúp người tị nạn Iraq gắn kết cuộc sống

Blog Single
Ở Amman, Jordan hiện có có một nhà may Rafedin do cha Mario Cornioli thiết lập đang hoạt động. Ngoài việc tạo ra quần áo và phụ kiện, nhà may còn giúp cho những tổn thương của các phụ nữ được chữa lành, giúp mọi người gắn kết với nhau.

Vatican News

Nhà may được gọi là Rafedin, có nghĩa là “hai dòng sông” Tigris và Euphrates ở vùng đất Iraq. Tên gọi do chính các thiếu nữ Iraq đầu tiên tham gia dự án chọn. Họ gồm khoảng 20 phụ nữ chạy trốn khỏi cuộc bách hại của ISIS vào năm 2014. Ở Jordan, những phụ nữ này đang cố gắng tái xây dựng tương lai.

Người khởi xướng sáng kiến tạo việc làm cho các thiếu nữ tị nạn Iraq là cha Mario Cornioli. Cha Cornioli được thụ phong linh mục vào năm 2002 của Giáo phận Fiesolo ở Ý. Năm 2009 cha đến Đất Thánh phục vụ theo diện Hồng ân đức tin (Fidei donum) của Toà Thượng Phụ Latinh Giêrusalem.

Năm 2013, cha thành lập tổ chức phi chính phủ Habibi, hỗ trợ các dự án phát triển con người và xã hội. Rafedin là một trong những dự án này, hiện đang có mặt ở Jordan và Bêlem.

Năm 2015 cha đến Jordan phục vụ những người tị nạn Iraq. Cách đây 8 năm vào ngày 24/02/2016, cha tạo dựng nhà may Rafedin. Tại đây đã có khoảng 150 phụ nữ trẻ đã được đào tạo nghề.

Với sự hỗ trợ, không chỉ về tài chính nhưng cả chuyên môn của những người bạn và tình nguyện viên, Rafedin đã có những bước đi đầu tiên. Một số thợ may và nhà thiết kế đã tham gia dự án. Cha Cornioli cho biết, cha và các cộng tác viên bắt đầu dự án đào tạo bằng cách hoàn trả chi phí cho các học viên. Với phương thức này, các phụ nữ được đào tạo chuyên nghiệp và có thể giúp gia đình họ, và nhân phẩm được tôn trọng.

Theo cha, dự án có một điểm khác với những chương trình hỗ trợ xã hội khác ở chỗ khả năng may vá của những người tham gia. Ý tưởng bắt nguồn từ việc tái sử dụng vải vụn, không chỉ giúp tiết kiệm nguyên vật liệu nhưng còn mang lại giá trị biểu tượng, giống như một điều gì đó mới đẹp được làm lại từ những gì bị gạt bỏ, đó là cuộc đời của các thiếu nữ. Một khi được kết nối, liên kết với nhau các thiếu nữ đã tạo nên một cuộc sống mới đẹp và ý nghĩa hơn.

Theo thống kê mới nhất của Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, tại Jordan có khoảng 718.000 người tị nạn, trong đó có hơn 55.000 người Iraq. Từ sau chiến tranh Vùng Vịnh 1990, họ đến đây nhiều đợt, và đặc biệt trong năm 2014, khi Nhà nước Hồi giáo trỗi dậy. Chỉ riêng các Giáo hội Kitô đã chào đón hơn 10.000 người.

Trong những tuần đầu tiên, mọi hoạt động hỗ trợ người tị nạn được thực hiện như một trường hợp khẩn cấp, nhưng sau đó các tổ chức và các Giáo hội phải đưa ra những dự án lâu dài trong việc hỗ trợ họ, như cư trú, công việc, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục.

Như một phúc trình của Caritas, người tị nạn Iraq ở Jordan không có được tư cách pháp nhân. Điều này có nghĩa là họ không thể làm việc hợp pháp để nuôi sống bản thân và gia đình. Do đó, họ buộc phải tìm kiếm nơi định cư ở các nơi khác như Úc, Canada, hoặc Hoa kỳ, mặc dù ước mơ cuối cùng của họ là trở về quê hương. Chính trong bối cảnh này Rafedin ra đời.

Trước thực tế này, cha Cornioli nói: “Chúng tôi ở đây để nói với họ rằng chúng tôi không bỏ rơi họ. Chúng tôi bắt đầu với ý tưởng khôi phẩm giá cho những người này”.

Cha chia sẻ: “Khi tiếp xúc với những người tị nạn, đức tin của tôi được lớn lên. Thật vậy, họ là những người có đức tin phi thường. Họ đã mất tất cả nhưng đức tin không mất, luôn sống động. Đối với công việc của tôi, họ là nguồn phong phú vô tận trong việc xây dựng đời sống cá nhân”.

Từ năm 2018, dự án còn nhận được sự trợ giúp từ Hội đồng Giám mục Ý và Hiệp hội hỗ trợ Thánh Địa. Năm 2020, nhà may đã có quan hệ đối tác với Đại sứ quán Pháp tại Jordan.

Trong những năm qua, Rafedin đã phát triển các dây chuyền sản xuất khác nhau và mở rộng các bộ sưu tập. Hiện cơ sở đã tự cung tự cấp về kinh tế, các thiếu nữ đã nhận được một mức lương nhỏ. Đây chính là niềm hy vọng cho những người đã phải bỏ quê hương ra đi. Hy vọng cũng được thấy trên nhãn hiệu của nhà may Rafedìn: “Thời trang được nhìn qua những sợi chỉ hy vọng”.

Cha Cornioli giải thích: “Đối với những phụ nữ trẻ này, việc buộc phải rời bỏ quê hương là một vết thương hở. Họ làm việc để góp phần hỗ trợ gia đình và công việc này có tác động tích cực, cả về mặt tâm lý. Khi họ may vá, những sợi bông màu trở thành sợi chỉ chữa lành, hy vọng cho tương lai, tấm vải của một cuộc sống mới”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-03/nha-may-rafedin-jordan-ti-nan-iraq-gan-ket.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: