95 năm kể từ khi những nữ học giả đầu tiên đến làm việc tại Vatican

Blog Single
Từ năm 1929, Thư viện Vatican đã tuyển dụng một nhóm phụ nữ trẻ có bằng tiến sĩ, đánh dấu lần đầu tiên Quốc gia Thành Vatican có những phụ nữ có bằng cấp cao làm việc. Trải nghiệm của họ rất tích cực, nhưng 12 năm sau đó, dự án này đã kết thúc do Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ngày nay Thư viện Vatican có hơn 50% tổng số nhân viên là phụ nữ và một số giữ những vị trí cao trong cơ quan này.

Gudrun Sailer

Mọi chuyện bắt đầu với chuyến đi vào năm 1927 của Cha Eugène Tisserant, nhà đông phương học người Pháp, một học giả tại Thư viện Vatican. Trong gần ba tháng, cha đã đi khắp các thư viện quan trọng nhất nước Mỹ. Không phải để đọc sách, mặc dù điều này rất cám dỗ cha. Rất đam mê sự đổi mới, cha đã tìm cách xem xét những thay đổi đáng kể trong hoạt động thư viện đã diễn ra ở Bắc Mỹ.

Cha Tisserant quay trở lại với kế hoạch điều chỉnh Thư viện Vatican bằng các nguyên tắc đặt người sử dụng làm trung tâm: danh mục, việc tham khảo, quy trình mượn tài liệu hợp lý, kho lưu trữ được tổ chức tốt và phòng đọc rộng rãi.

Điều này bao gồm một kho lưu trữ an toàn cho những cuốn sách và bản thảo quý hiếm, với quyền truy cập dành cho các học giả như trước đây - và hơn thế nữa. Cha Tisserant muốn mang tính hữu dụng đến Thư viện Vatican, đưa nó vào kỷ nguyên thư viện hiện đại.

Phụ nữ làm quản thủ thư viện: sự tiên phong ở Hoa Kỳ

Một quan sát khác được vị linh mục trí thức đưa ra trong các thư viện ở Mỹ là sự hiện diện của phụ nữ. Những phụ nữ có học thức làm thủ thư. Điều này chưa từng xảy ra ở Vatican. Tuy nhiên, năm 1929 là một năm đổi mới ở Vatican.

Các Hiệp ước Laterano đảm bảo sự độc lập về lãnh thổ của Giáo hoàng khỏi Ý, tạo nên sự bùng nổ xây dựng và một làn sóng đổi mới chưa từng thấy ở Vatican kể từ thời Phục hưng. Những đổi mới rất phù hợp với ý muốn của Đức Giáo hoàng uyên bác Pio XI; chính ngài từng là Trưởng Thư viện Vatican khi còn trẻ.

Giờ đây ngài nói “đồng ý” với tất cả những thay đổi và “đồng ý” với “các phụ nữ” đầu tiên làm việc tại thư viện của ngài trong quá trình hiện đại hóa. Nữ học giả đầu tiên đến Vatican là nhà trung cổ học người Pháp Jeanne Odier vào tháng 10 năm 1929.

Raffaella Vincenti, nữ Tổng Thư ký đầu tiên của Thư viện Vatican, nhậm chức từ năm 2012, kể lại như sau: “Tổng cộng có 24 phụ nữ. Họ đã được thuê trong nhiều năm và làm việc trên danh mục bản thảo”. “Chúng ta biết rằng hầu hết trong số họ đã có bằng của Đại học La Sapienza ở Roma, và một số cũng lấy bằng từ Trường cổ tự học của Vatican”.

Sự hỗ trợ của một tổ chức của Hoa Kỳ

Nhà tài trợ cũng đến từ Hoa Kỳ, chính là người đã tài trợ cho chuyến đi nước ngoài của Cha Tisserant. Tổ chức tư vấn “Carnegie Endowment for International Peace”, được Andrew Carnegie thành lập năm 1910, đã hỗ trợ tái thiết châu Âu sau Thế chiến thứ nhất.

Bà Raffaella Vincenti giải thích: “Quỹ đặc biệt hỗ trợ các hoạt động văn hóa được coi là then chốt cho việc tái thiết”.

Người Mỹ nhìn thấy tiềm năng đặc biệt trong việc hiện đại hóa Vatican và ảnh hưởng của nó đối với thế giới học thuật ở châu Âu.

Việc có một nữ thủ thư cho một thư viện không còn hiếm ở Hoa Kỳ có thể là một lý do tại sao bấy giờ các quỹ của Mỹ lần đầu tiên đã mang lại lợi ích cho những phụ nữ có trình độ trong thư viện của Giáo hoàng.

Họ có trình độ học vấn và làm việc ổn định. Bà Raffaella Vincenti nhấn mạnh: “Họ được chọn vì họ là chuyên gia trong lĩnh vực các bản thảo và cổ tự học”. “Nhiệm vụ của những người phụ nữ này là mô tả và lập danh mục các bản thảo. Ngoài ra, họ còn tạo ra một bộ quy tắc để đảm bảo tính nhất quán trong việc sao chép”.

Đây là công việc đòi hỏi thư viện phải làm. Suy cho cùng, việc khám phá thư mục về bộ sưu tập bản thảo lớn nhất thế giới nằm trong tay những người phụ nữ này.

Phụ nữ làm việc ở nước Ý thời phát xít

Ở xung quanh nước Ý, các nữ học giả ngập ngừng bước vào thế giới chuyên nghiệp. Hầu hết phụ nữ có bằng tiến sĩ về nhân văn đều trở thành giáo viên; hiếm có một phụ nữ nào trong những năm 1920 và 30 của chủ nghĩa phát xít được trở thành giáo sư đại học.

Mặc dù chủ nghĩa phát xít thúc đẩy quan điểm bảo thủ đối với phụ nữ - trong một cuốn sách nhỏ khét tiếng năm 1934, Mussolini đã gọi phụ nữ lao động và máy móc là hai mối đe dọa lớn nhất đối với đàn ông Ý - dần dần các gia đình cho rằng con gái có bằng đại học sẽ được chu cấp tốt hơn nếu vẫn không lập gia đình. Như vậy, số lượng nữ sinh viên tại các trường đại học trong thời kỳ chủ nghĩa phát xít đã tăng lên nhanh chóng. Và đây đó, phụ nữ có bằng tiến sĩ đã có thể tìm được một vị trí tại cơ quan quản lý cổ vật, trong văn khố hoặc thư viện. Vì vậy, các nữ học giả ở nước láng giềng Vatican là một sự đổi mới nhưng không phải là một cuộc cách mạng - theo cách thức đã được thiết lập của Giáo hội.

Một thế hệ phụ nữ mới phục vụ Giáo hội

Hai mươi phụ nữ tại Thư viện Vatican không nhận được vị trí cố định; họ làm việc theo giờ. Họ cũng không phải là “những người phụ nữ đầu tiên ở Vatican”: theo tài liệu từ hồ sơ Vatican, người nữ đầu tiên làm việc tại Vatican chính là cô thợ may Anna Pezzoli vào năm 1915, và người ta cũng biết rằng các nữ tu ở Vatican đã điều hành xưởng phục hồi thảm của các bảo tàng kể từ những năm 1920.

Tuy nhiên, Jeanne Odier và các đồng nghiệp của cô là những nữ học giả đầu tiên ở nước của Giáo hoàng. Họ đại diện cho một thế hệ phụ nữ mới phục vụ trong Giáo Hội, và tấm gương của họ nhanh chóng được mọi người chú ý.

Năm năm sau, nhà khảo cổ học người Đức gốc Do Thái Hermine Speier bắt đầu làm thủ thư ảnh tại Bảo tàng Vatican, ban đầu cũng chỉ là “nhân viên tự do lâu dài” dù có mọi bằng cấp. Không giống như các đồng nghiệp của mình trong thư viện, Hermine Speier ở lại đủ lâu để đạt được một vị trí cố định với quyền hưởng lương hưu ở Vatican, có lẽ đã trở thành người phụ nữ đầu tiên làm được điều này vào năm 1964.

Thời đại của các nữ học giả đầu tiên tại Vatican đã kết thúc vào năm 1941. Ngay từ năm 1939, với sự chuyển đổi từ Đức Piô XI sang Đức Piô XII, một sự thay đổi đã rõ ràng.

Theo bà Raffaella Vincenti, việc Ý và Đức tuyên chiến với Mỹ vào năm 1941 đã đóng một vai trò nào đó. Liên lạc bị gián đoạn và các ưu tiên ở Vatican cũng như của tổ chức của Mỹ đã thay đổi.

Bà Vincenti cho biết rằng ngày nay, Thư viện Vatican có gần 100 nhân viên, “với hơn một nửa trong số họ là phụ nữ và hầu hết các phòng ban của chúng tôi đều do phụ nữ lãnh đạo”.

Quản thủ văn khố và thủ thư của Giáo hội Công giáo Roma, Thư viện trưởng và Phó Thư viện trưởng đều là nam giới, nhưng các bộ phận về bản thảo, tác phẩm in, phục hồi, sao chép, công nghệ thông tin và cả ban thư ký, nơi hội tụ tất cả các chủ đề, đều nằm trong tay phụ nữ.

Bà Vincenti nói: “Điều này chắc chắn là do phụ nữ được đại diện nhiều hơn trong lĩnh vực nhân văn, phản ánh một tình huống khách quan”.

Việc bổ nhiệm các nữ học giả đầu tiên ở Vatican trong đà hiện đại hóa thư viện cách đây 95 năm chỉ là bước khởi đầu.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-03/95-nam-nhung-nu-hoc-gia-dau-tien-lam-viec-tai-vatican.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: