Đức TGM Paul Richard Gallager, Ngoại trưởng Tòa Thánh

Blog Single
Lần đầu tiên một vị Ngoại Trưởng Tòa Thánh, nay là Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, sẽ đến thăm Việt Nam từ ngày 9 đến 14/4/2024 theo lời mời của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Nhân dịp này, chúng tôi xin gợi lại vài nét về thân thế và hoạt động của Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh.

G. Trần Đức Anh O.P.

Thân thế

 Đức Tổng Giám Mục Gallagher năm nay 70 tuổi, phục vụ từ 40 năm nay trong ngành ngoại giao Tòa Thánh.

 Ngài sinh tại thành phố Liverpool, Anh Quốc, ngày 23/1/1954, thụ phong linh mục năm 1977 khi mới được 23 tuổi và phục vụ tại giáo xứ ở Fazakerly trước khi gia nhập Trường ngoại giao Tòa Thánh năm 1980. Cùng lớp với ngài hồi đó có 18 Linh Mục sinh viên, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Lopez Quintana, từng là Phó Phụ Tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và hiện là Sứ Thần tại Áo. Ngoài ra cũng có Đức Hồng Y Angelo Becciu, nguyên là Phụ Tá Quốc vụ Khanh và Tổng trưởng Bộ Phong Thánh.

 Cha Paul Gallagher tốt nghiệp trường ngoại giao Tòa Thánh ngày 1/5/1984. Không kể tiếng mẹ đẻ, cha còn thông thạo tiếng Ý, Pháp và Tây Ban nha. Cha lần lượt được cử đi phục vụ tại các Sứ quán Tòa Thánh tại Tanzania, Uruguay và Philippines với tư cách là Bí thư, rồi lên tham tán sứ thần, phục vụ tại tòa Sứ Thần ở Burundi, trước khi về Bộ Ngoại giao Tòa Thánh làm việc trong 4 năm, từ 1996 đến 2000, đồng thời với vị nay là Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh.

 Ngày 18/8 Năm Thánh 2000, Đức Ông Gallagher được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử làm Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Hội đồng Âu Châu ở Strasbourg bên Pháp, và 4 năm sau thăng làm Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh tại Burundi ngày 22/1/2004, khi được 50 tuổi. Một kỷ niệm đau thương trong nhiệm kỳ này là Tòa Sứ thần của ngài bị pháo kích hồi năm 2008 trong cuộc nội chiến tại nước này. Trước đó hồi năm 2003, vị Sứ thần Tòa Thánh tại Burundi, Đức Tổng Giám Mục Michael Aidan Courtney người Ai len đã bị phiến quân ám sát.

 Năm 2009, Đức Tổng Giám Mục Gallagher được chuyển sang Tòa Sứ Thần ở Panama và 3 năm sau đó, năm 2012, ngài được bổ làm Sứ thần Tòa Thánh tại Australia, nhưng 2 năm sau, Đức tân Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Ngoại trưởng Tòa Thánh, từ ngày 8/11/2014.

 Một số hoạt động

 Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã lên tiếng về rất nhiều vấn đề thời sự quốc tế, và ngài cũng không vắng bóng hoặc im tiếng đặc biệt đối với 2 chiến cuộc thời sự nhất hiện nay là Ucraina và thảm cảnh dân Palestine tại Gaza.

 Với Ucraina

 Chiến tranh giữa Nga và Ucraina bắt đầu ngày 22/2/2022 với cuộc tấn công qui mô của Nga.

 2 tháng sau đó, báo chí đã đưa tin Đức Thánh Cha đã quyết định gửi Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher đến thủ đô Kiev.

 Báo Il Messaggero, Người Sứ Giả, xuất bản tại Roma ngày 19/4/2022 cho biết chuyến đi này được coi là một dấu hiệu quan trọng chứng tỏ Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm theo dõi tình hình Ucraina ngày càng phức tạp với nhiều hậu quả.

 Trong cuộc họp báo trước đó trên máy bay tối ngày 4/4/2022, trên đường từ Malta về Roma, Đức Thánh Cha nói rằng: "Đức Hồng Y Parolin và Đức Tổng Giám Mục Gallagher đang làm tất cả những gì có thể [về chiến tranh tại Ucraina]. Dĩ nhiên chúng tôi không thể công bố tất cả những gì các vị ấy đang làm, vì khôn ngoan thận trọng, vì sự dè dặt kín đáo, nhưng chúng tôi hết sức làm việc” (Il Messaggero 19/4/2022)

 Lẽ ra Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Tòa Thánh đã tới thủ đô Ucraina trước lễ Phục Sinh, nhưng chuyến đi bị hoãn lại vì ngài bị dương tính với Covid-19 vài ngày trước khi lên đường. Ngày 18/5/2022 ngài mới lên đường sang Ucraina.

 Trước đó, tuyên bố với Chương trình truyền hình "Tg2 Post” của Ý, hôm 12/5/2022 Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã trả lời câu hỏi có nên gửi võ khí cho Ucraina để tự vệ hay không? Đức Tổng Giám Mục đáp, "Có, đó là điều chắc chắn. Tôi tin rằng việc gửi này phải tương xứng: chúng ta không muốn trở lại cuộc chạy đua võ trang. Chúng ta cũng có trước mặt một cuộc chiến tranh nguy hiểm hơn bao giờ hết, vì có cả chiều kích võ khí hạt nhân. Ucraina có quyền tự vệ và cần những võ khí để thực hiện điều đó, nhưng cần rất thận trọng”.

 Ngài cũng nói: "Tôi tin rằng tất cả đều có trách nhiệm luân lý giữ vai trò của mình trong thời điểm thế giới bị khủng hoảng lớn hiện nay. Quả thực các tổ chức của chúng ta có phần bị suy yếu vì các cuộc chiến tranh này, vì sự thiếu khả năng mau lẹ đưa tới một giải pháp, tới hòa bình. Chúng ta không được từ bỏ các cơ cấu an ninh, các tổ chức đa phương... Tôi tin rằng các đại cường như Mỹ và Trung Quốc, thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, có một vai trò rất quan trọng trong lúc này, và chúng ta phải kêu gọi họ chu toàn trách vụ của họ với một ý thức luân lý sâu xa và khẩn cấp”.

 Tại Ucraina, Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã gặp các vị lãnh đạo Công Giáo Đông phương và Latinh, cũng như các quan chức chính quyền, và đặc biệt đặt vòng hoa tại đài tử sĩ, tưởng niệm các chiến binh Ucraina bị ngã gục, cũng như đến viếng Bucha, nơi hàng trăm người Ucraina bị quân Nga thảm sát và chôn trong những nấm mộ tập thể.

 Và giữa lúc nhiều người trong dư luận ở Tây Phương than phiền Đức Thánh Cha không tố giác đích danh Nga là kẻ xâm lăng, thì Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã gọi đích danh Nga là nước xâm lăng Ucraina. Ký giả báo America của dòng Tên ở Mỹ ra ngày 18/7/2022 hỏi Đức Tổng Giám Mục Gallagher xem việc ngài mô tả Nga là kẻ xâm lăng như thế, ngài có nói nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô hay không, Đức Tổng Giám Mục đáp: "Tôi nói nhân danh Tòa Thánh, và Tòa Thánh không sửa sai tôi về những gì tôi nói nhân danh Tòa Thánh”.

 Ngoài ra, mới đây Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk của Công giáo Ucraina nghi lễ đông phương cám ơn Đức Tổng Giám Mục Gallagher vì trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí America đã nói rằng các biên giới quốc gia không được thay đổi bằng võ lực và các biên giới Ucraina là thành phần của những nền tảng công pháp quốc tế. "Tòa Thánh tôn trọng chủ quyền, nền độc lập và sự bất khả xâm phạm của biên giới Ucraina. Đối với người Ucraina, những lời này nói cho con tim của cộng động quốc tế thật là điều rất quan trọng”. (Ekai.pl 1/4/2024)

 Với Palestine

 Sau khi Đức Tổng Giám Mục Gallagher làm Ngoại trưởng Tòa Thánh, năm 2015, một hiệp định toàn diện đã được ký kết giữa Tòa Thánh và Palestine, để phục vụ cho mục tiêu kép là đẩy mạnh hòa bình ở Trung Đông và tạo nên một mẫu cho các hiệp định tương tự. Hiệp định này được ký ngày 26/6 năm đó giữa Đức Tổng Giám Mục Gallagher và ông Riad al-Malkia, ngoại trưởng của Palestine. Đức Tổng Giám Mục Gallagher bày tỏ hy vọng "hiệp định này, một cách nào đó là một khích lệ đưa tới chấm dứt cuộc xung đột dai dẵng giữa Israel và Palestine, đang tiếp tục gậy đau khổ cho cả hai phía. Tôi cũng hy vọng rằng giải pháp 2 quốc gia vốn được mong ước từ lâu có thể trở thành thực tại càng sớm càng tốt”.

 Trong cuộc phỏng vấn dài dành cho tạp chí America ở Mỹ vừa nói, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhìn nhận rằng "tình hình tại Thánh Địa rất tế nhị: bạo lực ngày càng trở thành một vấn đề. Có những nhược điểm về cơ chế từ cả hai phía Israel và Palestine, như chúng ta thấy chính phủ của thủ tướng Bennett-Lapid sụp đổ. Cũng có nhiều vấn đề còn tồn đọng từ phía người Palestine. Hiển nhiên là có sự gia tăng thất vọng nơi những người trẻ ở cả hai phía.”

 Gần đây, với biến cố Gaza, Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã nhiều lần lên tiếng tố giác tình hình nhân đạo tại Gaza thật là thảm họa và không thể chấp nhận được.

 Đức Tổng Giám Mục Gallagher đến thăm Vương quốc Giordani từ ngày 11 đến 14/3 năm nay (2024) nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước này với Tòa Thánh. Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc gặp gỡ Tổ chức bác ái "Jordan Hashemite Charity” tại thủ đô Amman.

 Phát biểu trong dịp này, Đức Tổng Giám Mục cho biết mỗi khi xảy ra thảm trạng xung đột võ trang, Tòa Thánh không do dự tái khẳng định rằng "nguyên tắc nhân đạo, được ghi khắc trong tâm khảm của mọi dân tộc, bao hàm nghĩa vụ bảo vệ các thường dân khỏi những hậu quả của các cuộc xung đột ấy. Rất tiếc là "việc bảo vệ phẩm giá của mỗi người, các nhà thương, trường học và các nơi thờ phượng, mà công pháp quốc tế về nhân đạo bảo đảm, quá nhiều khi bị các phe lâm chiến vi phạm nhân danh những đòi hỏi quân sự. Điều này được biểu lộ qua sự vi phạm trầm trọng đối với giá trị sự sống con người, giá trị này không bao giờ được làm thương tổn vì những thảm trạng ấy”. Vì thế, Đức Tổng Giám Mục Gallagher kêu gọi làm sao để các viện trợ nhân đạo được cung ứng mau lẹ cho dân chúng bị thương tổn mà không bị cản trở”.

 Trong cuộc phỏng vấn dành cho tuần báo "Roma Sette”, phụ trương của báo Công Giáo Ý Avvenire, Tương Lai, số ra ngày 21/12 năm ngoái (2023), Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói: "Chúng ta đã chứng kiến sự tàn ác kinh khủng ngày 7/10, không có lời nào nào có thể biện minh cho những hành động đó, nhưng chúng ta cũng chứng kiến những gì xảy ra sau đó. Cần có một cuộc thương thuyết sớm hết sức. Chúng tôi cầu mong rằng cuộc chiến tranh này không là nguyên nhân đưa tới các cuộc xung đột khác về tôn giáo và không lan rộng sang các nơi khác trên thế giới”.

 Với Việt Nam

 Sau cùng, Đức Tổng Giám Mục Gallagher không phải là người xa lạ với Việt Nam. Về phương diện riêng, ngay từ khi làm Sứ thần Tòa Thánh tại Australia, ngài đã xin một cộng đoàn nhỏ các Sơ dòng Trinh Vương giúp đỡ việc nhà cho ngài. Và khi về phục vụ tại Vatican trong nhiệm vụ ngoại trưởng, ngài xin các Sơ tiếp tục giúp đỡ như vậy.

 Ngoài ra, mỗi khi có cuộc viếng thăm của các quan chức cấp cao của Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Gallagher vẫn cùng với Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Parolin gặp gỡ và đối thoại sau khi các vị ấy được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Như ngày 18/1 năm nay (2024), với Phái đoàn đại biểu của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Và ngày 27/7 năm ngoái (2023), với cuộc viếng thăm của Chủ tịch nước Việt Nam ông Võ Văn Thưởng.

 

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-04/paul-richard-gallager-ngoai-truong-toa-thanh.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: