ĐTC Phanxicô mời gọi tái khám phá việc thực hành đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu

Blog Single
Gặp gỡ khoảng 150 tham dự viên hội nghị “Sửa chữa những điều không thể sửa chữa”, được tổ chức tại Roma từ ngày 1 đến ngày 5/5/2024, nhân dịp Năm Thánh kỷ niệm 350 năm các lần Thánh nữ Margarita Maria Alacoque được nhìn thấy Thánh Tâm Chúa Giêsu bùng cháy vì tình yêu và việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Thánh mời gọi họ tái khám phá việc thực hành đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Vatican News

Trong thị kiến diễn ra tại tu viện ở Paray-le-Monial nước Pháp vào năm 1675, trong đó Thánh nữ Margarita Alacoque nhìn thấy Thánh Tâm Chúa Giêsu bị thiêu đốt vì tình yêu, Chúa yêu cầu thánh nữ hãy tái khắc phục những gì còn thiếu sót trong việc thờ phượng Chúa cũng như khắc phục những điều gây xúc phạm đến Người. Ngay trong thị kiến đó, Thánh Margarita cũng còn được yêu cầu phải dấn thân phổ biến việc tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Từ đó, ngài đã dấn thân và dành trọn cuộc sống cho việc tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và cho việc mở rộng lòng sùng kính này.

Ý nghĩa của việc đền tạ trong Giáo hội là trọng tâm của hội nghị “Sửa chữa những điều không thể sửa chữa”. Các tham dự viên thảo luận về sự liên quan của việc thực hành đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay của Giáo hội Công giáo bị đánh dấu bởi các vụ bê bối lạm dụng đã làm lung lay đức tin của nhiều tín hữu và tạo ra một nhu cầu sâu xa về việc đền tạ.

Hòa giải giữa con người với nhau cũng góp phần hòa giải với Thiên Chúa

Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng khái niệm đền tạ thường được tìm thấy trong Kinh Thánh, nhưng trong Tân Ước, khái niệm này mang hình thức của một tiến trình thiêng liêng trong Ơn Cứu độ do Chúa Kitô và hy tế của Người thực hiện trên Thập giá.

Đức Thánh Cha giải thích: “Điều mới lạ ở đây là nó bộc lộ lòng thương xót của Chúa đối với tội nhân. Do đó, việc chữa lành góp phần vào sự hòa giải giữa con người với nhau, nhưng cũng góp phần vào sự hòa giải với Thiên Chúa, bởi vì tội ác chống lại tha nhân cũng là xúc phạm đến Thiên Chúa”.

Nhận ra mình có tội và xin tha thứ

Ngài nói tiếp rằng chủ đề của hội nghị khuyến khích chúng ta hy vọng rằng mọi vết thương đều có thể được chữa lành, ngay cả những vết thương sâu: “Việc chữa lành hoàn toàn đôi khi dường như không thể thực hiện được, khi tài sản hoặc những người thân yêu bị vĩnh viễn mất đi hoặc khi một số tình huống nào đó trở nên không thể thay đổi được. Nhưng ý định sửa chữa và thực hiện điều đó một cách cụ thể là điều cần thiết cho tiến trình hòa giải và mang lại bình an cho tâm hồn”.

Theo Đức Thánh Cha, để việc sửa chữa thực sự mang tính Kitô giáo và “không chỉ là một hành vi đơn giản của công lý qua lại” cần có hai thái độ: nhận ra mình có tội và xin sự tha thứ. Thật vậy, “bất kỳ sự đền bù nào, về mặt nhân bản hay tinh thần, đều bắt đầu bằng việc nhận ra tội lỗi của mình”, và từ đó nảy sinh mong muốn đền bù. Mặt khác, việc cầu xin sự tha thứ, theo Đức Thánh Cha, “mở lại cuộc đối thoại và thể hiện mong muốn tái lập mối liên kết trong tình bác ái huynh đệ, trong khi việc đền tạ, hay ngay cả ước muốn đơn giản là sửa chữa, bảo đảm tính xác thực của lời cầu xin tha thứ”.

Đức Thánh Cha kết luận với mong muốn rằng hội nghị “có thể canh tân và đào sâu ý nghĩa của việc thực hành đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu, được Thánh Margarita giới thiệu và ngày nay có phần bị lãng quên hoặc bị coi là lỗi thời”.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

Nguồn:

https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-05/dtc-phanxico-margarita-maria-alacoque-thanh-tam-chua-giesu.html



Chia sẻ:

Tin liên quan: